Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, đa số ý kiến đại biểu mong muốn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, phản biện.
Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Muốn đồng thuận phải có dân chủ
Tôi cho rằng, Đại hội VIII nên đánh giá, đề cập, làm rõ vấn đề đại đoàn kết. Đây là chức năng của Mặt trận. Không có Mặt trận thì không có đoàn kết tốt các dân tộc, tôn giáo, đoàn kết nhân dân… Cũng trong nhiệm kỳ VIII, Mặt trận cần làm tốt vấn đề đại đoàn kết, từ đoàn kết trong Đảng đến đoàn kết trong dân. Hiện nay dù đã cố gắng làm tốt nhưng so với yêu cầu mới cần phải có nỗ lực cao hơn nữa. Đoàn kết cũng phải có cơ chế, chính sách cụ thể. Muốn có đại đoàn kết, mỗi người chúng ta phải học tư tưởng Bác Hồ. Mỗi giai đoạn lịch sử, tình hình khác đi, chúng ta có thể điều chỉnh lại, xóa bỏ mặc cảm quá khứ, hướng tới tương lai như Bác Hồ đã từng nói, tất cả chúng ta đều là con em nước Việt. Đại đoàn kết phải bắt nguồn từ lòng người, lòng dân.
Ngoài ra, Mặt trận làm tốt chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận tăng cường mối quan hệ giữa dân với Mặt trận, phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thì mới đại diện được. Muốn vậy, Mặt trận phải đi xuống với dân. Phải làm sao để dân tin, dân quý, dân mới nói. Trước đây chúng ta vẫn thường khái quát rằng: Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, nhưng bây giờ theo tôi còn cần “phản ánh đúng ý nguyện của dân” nữa.
Liên quan vấn đề giám sát, phản biện, tôi cho rằng, làm tốt thì sẽ nắm được lòng dân. Giám sát của nhân dân, phản biện của lòng dân thì mới làm tốt giám sát. Càng đi sâu vào dân thì giám sát, phản biện mới được. Đại hội lần này phải làm rõ vấn đề này. Đây là tâm tư, nguyện vọng của lòng dân và cũng thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ.
Ông Quản Trọng Ninh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu: Mở rộng thành phần, sức mạnh đại đoàn kết sẽ được phát huy
“Chúng tôi nghĩ phải tập trung cao trí tuệ để đóng góp cho các văn kiện của Đại hội với mục tiêu phản ánh được thực trạng công tác mặt trận nhằm tìm ra những điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong giảm nghèo, trong thực hiện quy chế dân chủ.
Chúng tôi muốn đề xuất những vấn đề mới tiếp tục thực hiện các cuộc vận động cho hiệu quả hơn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Vấn đề chúng tôi quan tâm nữa là nâng cao vai trò của MTTQ trong giám sát và phản biện xã hội.
Công tác phản biện thời gian qua chúng ta làm chưa nhiều bởi lẽ đây là vấn đề mới, giám sát làm được nhiều hơn. Trong thời gian tới, phải nghiên cứu, tập hợp lực lượng, tập hợp trí tuệ với nhiều đối tượng trí thức để thực hiện công tác phản biện tốt hơn.
Đại hội Mặt trận mỗi nhiệm kỳ lại có một sự đổi mới. Tại Đại hội lần này, ấn tượng nhất với tôi là tỷ lệ người ngoài Đảng, trên 50% đại diện cho các tổ chức chính trị xã hội được tham gia trong khối đại đoàn kết này. Điều đó thể hiện tính dân chủ, tính cộng đồng, sức mạnh của toàn dân được phát huy trong Đại hội này. Thời gian qua, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc đã được thực hiện tốt, thông qua Đại hội này, và trên cơ sở mở rộng thành phần, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết sẽ được nhân lên nhiều.
Chúng tôi cũng mong muốn Mặt trận Tổ quốc phải chỉ đạo sâu sát hơn nữa để tạo mô hình cụ thể thiết thực ở địa phương phục vụ các tầng lớp nhân dân.
Bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Cần xuất phát từ nhu cầu của người dân mới có thể giải quyết gốc rễ vấn đề.
Hiện nay Trung ương Hội Phụ nữ là nơi tập hợp các tầng lớp chị em phụ nữ, phụ nữ nông thôn chiếm con số lớn, vấn đề của các chị em phụ nữ ở nông thôn hiện nay cũng tương đối nhiều, như đời sống của phụ nữ nông thôn, học vấn, nhu cầu về tinh thần… đấy là những vấn đề Mặt trận có thể hỗ trợ cho các đoàn thể ở cơ sở.
Nói về công tác giám sát phản biện của Mặt trận, đây là lĩnh vực tương đối mới. Tuy nhiên, Mặt trận là nơi khởi sướng cũng là đầu mối thực hiện công tác này là rất đúng. Để có thể làm tốt công tác này cần rất nhiều nguồn thông tin, năng lực nếu chỉ một tổ chức thôi thì không thể làm nổi. Việc cụ thể hóa chính sách ở các cơ sở cũng cần được quan tâm vì mỗi vùng miền, mỗi nhóm đối tượng có đặc thù, nên việc cụ thể hóa là cả một quá trình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu hy vọng Mặt trận sẽ phát huy tốt vai trò để thực hiện tốt công tác này.
Mỗi tổ chức có nhiệm vụ, chức năng riêng của mình, cần xuất phát từ chính nhu cầu của các đối tượng thuộc tổ chức mình quản lý trên cơ sở nhu cầu ấy mới có thể giải quyết gốc rễ của vấn đề. Nghĩa là người làm công tác mặt trận phải đi sâu, đi sát với quần chúng, nhân dân”.
Chị Nguyễn Thị Lệ, đại biểu tỉnh Hòa Bình
Là đại biểu dân tộc thiểu số, bản thân tôi cũng như bà con của dân tộc mình mong muốn Mặt trận kiến nghị với Đảng, Nhà nước tìm được biện pháp giúp đời sống của bà con dân tộc, đặc biệt bà con ở khu vực di dân lòng hồ sông Đà để người dân sớm có cuộc sống ổn định, thoát được nghèo đói. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã quan tâm và triển khai nhiều dự án, tuy nhiên những dự án đó chưa thực sự phù hợp với người dân vùng khó khăn”./.