Thống kê chưa đầy đủ, đến nay tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đón hơn 800 người dân từ tâm dịch ở thành phố Hồ Chí Minh trở về quê. Trong số đó, có cả những cụ già, người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai và cả những em bé vừa mới chào đời.
Hơn 20 năm gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh, chưa bao giờ ông Trần Văn Hoan chứng kiến tình cảnh bi đát như hiện nay. Ông bị đau cột sống mãn tính, trải qua 4 đợt dịch vẫn gắng trụ lại thành phố để mưu sinh bằng nghề giao hàng (shipper). Gần 2 tháng nay, dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều nơi tại thành phố Hố Chí Minh bị phong tỏa, ông Hoan quanh quẩn trong 4 bức tường của căn nhà trọ chưa đầy 3 m2.
Dù đã đến đợt tái khám để mổ lại cột sống, nhưng hầu hết bệnh viện đều quá tải, ông Hoan cắn răng chịu đựng những cơn đau hành hạ. Trong lúc khó khăn này, ông Hoan được về quê nhà Quảng Nam vào ngày 23/7 cùng chuyến xe với nhiều người khác.
“Tôi vừa bị bệnh rồi lại đến dịch bùng phát, đến nay bệnh phải nằm cũng được 2 tháng rồi mà nó đau lắm. Thấy Sài Gòn bùng phát dịch mình ước mong sao được về quê. Khi được vé đi về là mừng rồi, khi nhận được bữa ăn đầu tiên tại đây mình thấy rất cảm động”, ông Hoan nói.
Là lao động chính trong nhà, 2 tháng qua anh Trần Ngọc Sa rơi vào cảnh thất nghiệp. Đứa con thứ ba của anh Sa chào đời ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình 6 người đối mặt với muôn vàn thiếu thốn. Nghe tin Hội đồng hương Quảng Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đón người dân về quê, sau 2 lần đăng ký, cả gia đình anh Trần Ngọc Sa được đưa về quê trong đợt đầu tiên.
“Vừa mừng mà cũng vừa lo vì con vừa mới có 3 tháng mà đi trên xe thì không biết có người mắc bệnh hay không nữa. Nhưng khi lên xe thì thấy bác sĩ rồi mọi người rất lo lắng cho gia đình mình, mặt đồ bảo hộ, về tới nơi thì lo cơm nước, ăn uống không thiếu thốn gì hết. Nói chung là rất tốt”, anh Sa cho biết.
Trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu cách ly dành cho người dân từ thành phố Hồ Chí Minh về, Thiếu tá Đỗ Thanh Toàn, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Tam Kỳ cho biết, ngoài công việc được phân công, các anh luôn động viên và tạo những điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người dân trong khu cách ly.
“Khi tiếp xúc với bà con, có những trẻ em, người già, người bị bệnh thì động viên thăm hỏi kịp thời, bố trí những phòng ở tốt nhất. Tạo điều kiện cho bà con ăn ở sinh hoạt, những em nhỏ, cụ già thì ăn cháo, từng bữa mình phân ra từng khẩu phần. Đàm bảo làm sao cho bà con có sức khỏe tốt nhất trong thời gian ở tại đây”, thiếu tá Đỗ Thanh Toàn nói.
Trong bối cảnh vừa nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam vẫn quyết tâm thực hiện chủ trương đón người dân từ thành phố Hồ Chí Minh về quê. Những ngày đến sẽ có thêm hàng trăm người dân từ thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn được đón về quê bằng các phương tiện ô tô, tàu hỏa và máy bay.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang lên phương án giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bà con sau khi hoàn thành cách ly: “Chúng tôi sẽ đánh giá lại lực lượng người dân được đưa về. Sẽ làm việc với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công việc một cách phù hợp nhất, vừa giải quyết công ăn việc làm trước mắt, vừa đảm bảo lâu dài. Nhưng quan trọng là phải tạo điều kiện cho họ thích nghi được với môi trường mới vì họ đã đi vào thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị rất lớn, khi quay về lại địa phương ổn định đời sống và tham gia lao động sản xuất cho phù hợp nhất”.
Những những chuyến xe từ xứ Quảng tiếp tục lăn bánh vào thành phố Hồ Chí Minh để đón người dân đang gặp cảnh khó khăn trở về quê nhà. Trên những chuyến xe ấy có cả những “món quà quê”, nhu yếu phẩm vẫn được người dân Quảng Nam đóng góp gửi vào đồng bào các tỉnh thành phía Nam và hỗ trợ các khu cách ly tập trung.
Người dân miền Trung từng sống chung với thiên tai, bão lũ, giờ đây phải dần quen ứng phó với dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái cần tiếp tục được lan tỏa để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này./.