Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng Quảng Nam là 1 trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 so với cả nước và cao nhất Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung về tốc độ tăng trưởng. Thu hút vốn đầu tư vào Quảng Nam tiếp tục tăng. Để giữ vững tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ số, cải thiện môi trường đầu tư.
Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức, đóng tại Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Đại An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Công ty chuyên sản xuất và cung ứng các loại kim công nghiệp, dụng cụ ngành dệt - may. Đến làm ăn tại Quảng Nam khá sớm, ông Cerd Teufel, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam hài lòng về môi trường đầu tư tại tỉnh này. Ông Cerd Teufel nhận xét, Chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
“Vào năm 2008, những nhân viên đầu tiên của Groz-Beckert đã đến Đại Lộc để đánh giá về môi trường đầu tư. Tại đây, doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm rất lớn, đặc biệt là lãnh đạo địa phương đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong thời gian hoạt động tại đây, doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ hết mình của chính quyền địa phương”, ông Cerd Teufel bày tỏ.
Ông Trần Văn Ấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp được cải cách rất mạnh. Các thủ tục hành chính đều rút gọn, cắt giảm về thời gian. Việc cấp phép đăng ký kinh doanh cũng rút ngắn xuống còn 2 ngày. Theo ông Trần Văn Ấn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương pháp xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính phải thực hiện qua mạng, bằng hình thức trực tuyến.
“Sở KH&ĐT có 12 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế liên thông, tiếp tục nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3, độ 4. Đến nay, tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 41% và tiếp tục được nâng cao hơn, tăng số lượng giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng. Sở tiếp tục phấn đấu cắt giảm 33% thời gian giải quyết thủ tục, đăng ký thành lập doanh nghiệp, về đấu thầu, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư”, ông Ấn cho biết.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025. Tỉnh lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đề án sẽ triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công và các Sở, ngành.
Trong 5 năm tới, mỗi năm tỉnh này phấn đấu tăng 20% tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ 100% bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tỉnh Quảng Nam và Công ty CP FPT cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, với mong muốn đưa Quảng Nam sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số- kinh tế số- xã hội số.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp.
“Để cải thiện môi trường đầu tư phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn, các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số hài lòng của người dân, về các dịch vụ công… phải tập trung nỗ lực cải thiện. Tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu, đối với chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phải nằm trong top 5 và các chỉ số còn lại phải nằm trong nhóm tốt, tức là nằm trong top từ 10 -15 của cả nước”, ônng Thanh kì vọng.
Nhiều năm liền, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Nam là 1 trong 10 địa phương thuộc Nhóm điều hành tốt. Trong 10 chỉ số thành phần, các chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động luôn tăng điểm. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư./.