Sáng 16/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổng kết và trao giải cho các tác phẩm xuất sắc tham dự cuộc thi “tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.

"Cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng" được tổ chức thông qua hình thức thi tiểu phầm dưới dạng video clip, được phát động từ tháng 7/2013 ở các Bộ, ngành trong cả nước. Ban tổ chức nhận được 40 tiểu phẩm của 39 cơ quan, tổ chức. Đề tài về phòng, chống tham nhũng tương đối khó, nhưng hầu hết các tiểu phẩm dự thi đã bám sát yêu cầu chủ đề, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao. Một số tiểu phẩm có cốt truyện gần gũi, dung dị, rất đời thường và sâu sắc tình người.

tu-phap.jpg
Ban tổ chức trao bằng khen cho các đơn vị đạt giải

Tiêu biểu như các tiểu phẩm: "Như là tai họa" (Sở tư pháp TPHCM), "Đối mặt" (Sở Tư pháp Cà Mau), "Cần có một tấm lòng" (UBND tỉnh Bến Tre)...

Ông Phạm Trí Hải- Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết, đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ lâu nay rất trăn trở vì phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, đòi hỏi chính quyền địa phương, các ban, ngành và toàn thể nhân dân phải làm rất quyết liệt.

Bên cạnh khó khăn về kinh phí, thì khó khăn trong việc xây dựng các tiểu phẩm về phòng, chống tham nhũng là làm sao phải nói đúng, nói trúng vấn đề người dân đang quan tâm. Sở Tư pháp Cà Mau đã tổ chức cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong toàn tỉnh và chọn được tiểu phẩm “Đối mặt”. Ông Hải nói: "Hoạt động tham nhũng nhiều khía cạnh, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đặc biệt là “dính” đến những người có thẩm quyền phê duyệt các dự án. Xây dựng tiểu phẩm “Đối mặt”, mục đích của chúng tôi cũng cảnh báo đây là lĩnh vực nhạy cảm và là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới”.

Một số tiểu phẩm nổi trội trong cuộc thi đã thể hiện được nội dung tuyên truyền pháp luật rõ nét, ý tưởng kịch bản rõ ràng, logic, cốt truyện hấp dẫn, thuyết phục, có tính nghệ thuật, diễn viên diễn xuất tốt, thể hiện hiệu quả ý đồ kịch bản, cách thức làm chuyên nghiệp. Đó là các tiểu phẩm: "Dân kiểm tra" (Sở Tư pháp thành phố Hà Nội), "Như là tai họa" (Sở Tư pháp TPHCM), "Công khai, minh bạch" (Sở tư pháp tỉnh Bắc Ninh), "Khi người tố cáo bị thiệt hại" (UBND tỉnh Bình Dương)...

Về tiểu phẩm “Dân kiểm tra”, bà Xuân Hương- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, tiểu phẩm phản ánh tình trạng rút ruột các công trình ở khu dân cư. Tiểu phẩm thể hiện rõ vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, người dân có trách nhiệm và hiểu biết pháp luật trong phòng chống tham nhũng. Theo bà Hương, "thông điệp chúng tôi muốn chuyển tải trong tiểu phẩm là vai trò giám sát của người dân trong nội bộ khu dân cư. Chúng tôi muốn từ trách nhiệm của người dân đưa ra lời cảnh tỉnh, cảnh báo đối với việc gian dối rút ruột các công trình. Đặc biệt, với công trình xây dựng thì mọi người phải đấu tranh kiên quyết và đòi hỏi trách nhiệm của mọi người trong công tác phòng chống tham nhũng".

Về kỹ thuật, một số tiểu phẩm như: Dân kiểm tra, Công khai, minh bạch, Đối mặt, Chuyện phường tôi (Bộ Công an), Con đường mang hình dấu hỏi (Trung ương Hội nông dân VN), Ánh sáng qua khe cửa (Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc)... được dàn dựng chuyên nghiệp, chất lượng kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, chọn bối cảnh đạt hiệu quả cao.

Tất cả những nỗ lực ấy của các đơn vị tham gia cuộc thi đã gây sự ngạc nhiên cho các thành viên Ban Giám khảo. NSƯT- Đạo diễn Trọng Trinh (Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam) thành viên Ban Giám khảo cuộc thi bày tỏ. "Công tác tuyên truyền pháp luật mọi người hay nghĩ là khô khan. Nhưng khi chấm, chúng tôi rất ngạc nhiên vì từ việc xây dựng ý tưởng kịch bản, hình ảnh, đến việc diễn xuất của các nghệ sĩ rất khéo, làm cho câu chuyện "rất đời", rất thực, dung dị, gần gũi. Điều quan trọng là sự gần gũi và dễ hiểu nên mọi người đều có thể tham gia pháp luật từ những cái nhỏ nhất. Tôi nghĩ chúng ta không cần đao to, búa lớn, mà hãy bằng những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất để mọi người thấm dần mới là điều cực kỳ quan trọng".

Ban tổ chức đã trao 3 giải phong trào cho các tỉnh Bình Dương, Bến Tre, Lâm Đồng và 14 giải cho các tiểu phẩm xuất sắc. Giải Nhất của cuộc thi được trao cho tiểu phẩm “Dân kiểm tra” của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Hai Giải Nhì trao cho các tiểu phẩm: “Công khai, minh bạch” (Sở tư pháp tỉnh Bắc Ninh) và “Đối mặt” (Sở Tư pháp Cà Mau).

Bà Nguyễn Thúy Hiền- Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Trưởng Ban tổ chức cho rằng: “Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng khắp vì qua các tiểu phẩm chúng ta thấy những người dân bình dị, diễn viên không chuyên cũng tham gia vào cuộc thi. Và đây cũng là hình thức được nhiều người hưởng ứng, kể cả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa..., bởi lẽ nó rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người ta thực hiện các qui định đúng qui định của pháp luật. Cuộc thi cũng đã thu được nhiều tác phẩm có giá trị về tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tham nhũng và chúng tôi sẽ phát hành ấn phẩm này miễn phí đến các tổ chức để tuyên truyền nội dung pháp luật về lĩnh vực này”./.