Kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2013 vừa được công bố cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt tại khu vực hành chính công trong 3 năm qua vẫn phổ biến ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đáng lưu ý là  nhiều người dân coi hối lộ như “việc phải làm”. 

tham-nhung-tr.jpg
Có tham nhũng vặt chắc chắn có tham nhũng lớn (Ảnh minh họa, nguồn Tuổi trẻ)

Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)năm 2013 về trình trạng tham nhũng vặt cho thấy, có đến 42% người dân phải chi thêm tiền khi đi khám bệnh, 30% người dân phải chi thêm tiền khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 24% người dân phải chi thêm tiền để được cấp giấy phép xây dựng, 27% phải chi thêm tiền để học sinh tiểu học được quan tâm hơn và 42% người dân phải chi thêm tiền khi xin việc vào các cơ quan nhà nước. Tình trạng "lót tay" đã trở thành chuyện vặt đến mức như một thói quen, khiến người ta không bức xúc, không thấy lạ.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, hầu hết người dân đều cho rằng họ buộc phải làm như vậy.

“Cứ phải phong bì. Nếu như vào khoa mổ, cô y tá trưởng y tá sẽ dặn trước, “bồi dưỡng” bác sỹ mổ chính là 1, 5 triệu đồng, bác sỹ mổ phụ 500.000, tổ gây mê 500.000, tổ y tá 500.000, tiêm và đưa xuống phòng hậu phẫu 200.000 đồng. Không đưa họ sẽ gây khó khăn cho mình, đó là điều bắt buộc và ai cũng phải làm thế”.

“Tình hình chung hiện nay trong giáo dục phải nói thẳng là có hiện tượng chạy trường, chạy lớp,với mức độ ngày càng phổ biến, chính vì vậy hiện tượng lót tay không phải là hiếm. Theo tôi đánh giá có hai nguyên nhân chính đó là số trường có chất lượng tốt còn quá ít, số gia đình có điều kiện tài chính để người ta gửi con em họ vào trường tốt ngày càng nhiều. Xuất phát từ lý do đó phụ huynh sẵn sàng trích khoản kinh phí để lót tay cho nhà trường. Đó là kẽ hở để giáo viên sẵn sàng nhận khoản lót tay cho dù hành vi đó là không lành mạnh”.

“Trong các cơ quan hành chính, những người công quyền hay gây khó khăn, ví dụ như trong cấp sổ đỏ chẳng hạn, người ta cứ gây khó khăn không làm cho, mình muốn được làm thì phải lót tay. Người dân không muốn mất tiền nhưng mất tiền thì mới được việc”.

Cuối năm 2013, một nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch toàn cầu cũng đánh giá: tham nhũng trong việc tuyển sinh vào các trường phổ thông, đặc biệt là các trường tiểu học và trung học cơ sở đang rất phổ biến tại Việt Nam. Bà Đào Thị Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch, cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch toàn cầu cho biết, nguyên nhân là do hệ thống giáo dục công lập không đáp ứng được yêu cầu giáo dục có chất lượng của người dân. Còn phụ huynh học sinh thì thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục công nên có tư tưởng thỏa hiệp tham nhũng và chấp nhận đưa hối lộ, đồng nghĩa với việc họ chấp nhận chi trả chi phí không xứng đáng để con em mình vào được trường tốt. Điều đó đã dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, gây xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống giáo dục nói riêng và vào kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung tại Việt Nam.

Bà Đào Thị Nga nhấn mạnh: “Báo cáo của Tổ chức Minh bạch toàn cầu cho thấy, giáo dục là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng rất cao bởi nguồn lực cho giáo dục rất lớn và được phân bổ qua rất nhiều cấp hành chính phức tạp, đặc biệt qua cấp trường, trong khi quá trình phân bổ đấy lại không có sự giám sát đầy đủ cho nên nguy cơ thất thoát nguồn lực cao. Nguy cơ tham nhũng cao trong giáo dục bởi chính những ngành này, vị thế của giáo viên trong trường tạo cho họ điều kiện để họ có thể tham nhũng bởi nhu cầu tự nhiên của con người luôn muốn được hưởng nền giáo dục chất lượng cao”.

Tham nhũng vặt chính là khởi đầu cho tham nhũng lớn. Ông Nguyễn Ngọc Du, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), 1 trong 3 đơn  vị phối hợp nghiên cứu về vấn đề này đã nhận định như vậy. Ông Du cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này chính là chất lượng dịch vụ và nền quản trị hành chính công yếu kém, trong khi muốn hạn chế được tham nhũng thì điều tiên quyết là phải xây dựng được một nền quản trị hiện đại dựa trên các yếu tố như: chế độ lương bổng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hệ thống hành chính công, tăng cường cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội vào quy trình thực hiện chính sách của nhà nước.

“Trong quản lý hành chính để phòng chống tham nhũng phải chú ý từ những vấn đề nhỏ, kể cả bộ luật hình sự và bộ luật phòng chống tham nhũng cũng phải dần dần hoàn chỉnh cho chuẩn hơn, không chỉ để chống mà còn phải phòng. Chống tham nhũng là vấn đề hết sức phức tạp và lâu dài . Muốn khắc phục, xóa bỏ tình trạng này phải tăng cường quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt giáo dục đội ngũ cán bộ công chức viên chức của nhà nước, đại diện cho người dân thực hiện chính sách pháp luật thì phải làm đúng chính sách pháp luật”, ông Du nhấn mạnh.

Trên thực tế, những tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là những địa phương có nền hành chính thân thiện, minh bạch và hiệu quả. Có được điều đó là do tầm nhìn và nỗ lực của lãnh đạo địa phương khi quyết tâm xây dựng chính quyền minh bạch; nỗ lực hạn chế sự tùy tiện của cán bộ, công chức bằng cách kiểm soát quyền hạn của họ. Đặc biệt, một tiền đề rất quan trọng là phải tin người dân và doanh nghiệp, trao cho họ quyền yêu cầu cán bộ, công chức phải tuân theo các chuẩn mực đã quy định và giúp họ kiểm soát được quyền hạn của nhóm người có quyền. Có như vậy, tình trạng tham nhũng mới được kiểm soát, đẩy lùi./.