Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, TP.HCM và các tỉnh phải thành lập các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn để chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị; giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.
Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động tại phường, xã, thị trấn.
Tùy theo số lượng F0 của mỗi phường, xã, thị trấn đang quản lý, UBND phường, xã, thị trấn chọn các địa điểm để tham mưu cho UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện thành lập các Trạm y tế lưu động. Các địa phương có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân...để làm trụ sở hoạt động của Trạm y tế lưu động.
Mỗi Trạm y tế lưu động phải bố trí một phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chánh, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên. Trạm Y tế lưu động sẽ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc xin...dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện; sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Thủ Đức, quận, huyện và Sở Y tế.
Dự kiến mỗi Trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 F0. Về nhân lực, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng từ Trạm y tế, Trung tâm Y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của thành phố, trung ương (khi thật sự cần thiết), 3-4 nhân sự khác (Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động F0 đã khỏi bệnh có nguyện vọng chăm sóc người F0) do UBND phường, xã, thị trấn đề xuất. Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0.
Về dụng cụ và trang thiết bị tối thiểu, mỗi Trạm Y tế lưu động có 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.
Trạm Y tế lưu động có túi thuốc cấp cứu lưu động, túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác. Phương tiện vận chuyển cho nhân viên của Trạm y tế lưu động khi khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người F0 là xe máy, xe taxi.
Tính đến hôm nay 19/8, TP.HCM có hơn 18.940 F0 đang được cách ly tại nhà, ước tính mỗi trạm y tế lưu động sẽ chăm sóc 50 F0 thì dự kiến sẽ có gần 400 Trạm y tế lưu động./.