Từ trước đến nay tất cả các bệnh nhân Covid-19 (hay còn gọi là các F0) đều bắt buộc điều trị tại cơ sở y tế còn những người tiếp xúc trực tiếp (F1) đều phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, tại đợt dịch lần thứ 4 này, với số ca nhiễm SASR-CoV-2 tăng cao trong thời gian ngắn, để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm cách ly F1 tại nhà. Biện pháp cách ly, theo dõi, điều trị F0 biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà cũng được một số chuyên gia y tế đặt ra. Đề xuất này dựa trên cơ sở số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước ta đang tăng quá nhanh trong thời gian ngắn và hơn 70% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng biện pháp này khó khả thi và nguy cơ lây nhiễm cho gia đình bệnh nhân và cộng đồng rất cao.
Theo BS Nguyễn Quốc Thái – Chuyên gia phòng chống dịch Covid – 19, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức căng thẳng, các biện pháp chống dịch đang được triển khai một cách quyết liệt. Việc tính đến giải pháp cách ly, điều trị tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng là thể hiện sự uyển chuyển, linh hoạt trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng rất nhanh, với hàng nghìn trường hợp mỗi ngày như hiện tại. Phương án này vừa nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh vừa giúp giảm tải cho các bệnh viện và bảo tồn lực lượng y tế để có thể đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian tới.
“Việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà khác hẳn với các biện pháp chống dịch từ trước đến nay. Hiện nay, việc quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19 đều được thực hiện tại bệnh viện và đấy là môi trường có thể kiểm soát được sự lây nhiễm dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều so với quản lý tại khu dân cư. Đấy là điều cần lường trước khi áp dụng điều trị F0 tại nhà. Nếu không kiểm soát được sự lây nhiễm thì sẽ thất bại với chiến lược này. Nếu thành công thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích: nhân viên y tế được giảm tải, đỡ tốn kém chi phí về nhân lực, vật lực của nhà nước. Mặt khác, người bệnh được điều trị tại nhà, trong môi trường quen thuộc của gia đình cũng sẽ thoải mái hơn về tâm lý nên có thể chấp hành việc cách ly tốt hơn”. BS Nguyễn Quốc Thái phân tích những rủi ro và lợi ích khi áp dụng việc cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Đồng thời, vị chuyên gia về truyền nhiễm cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, chiến lược cách ly, điều trị F0 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà là hoàn toàn khả thi trong điều kiện của Việt Nam hiện tại.
Bởi từ trước đến nay, tinh thần quyết tâm và đồng thuận của người dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 rất cao. Nếu người dân tiếp tục tuân thủ, chấp hành quy định cách ly, điều trị tại nhà một cách nghiêm ngặt và các biện pháp quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại hộ gia đình được thực hiện một cách nghiêm túc thì chiến lược này sẽ thành công.
Về phía chuyên môn, đối với những trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ, việc theo dõi, chăm sóc không quá phức tạp, chỉ cần can thiệp, hỗ trợ y tế khi cần thiết. Do đó, nhân viên y tế địa phương hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật trong cách ly, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng cho rằng, không chỉ đợi đến áp dụng điều trị F0 tại nhà mà ngay bây giờ, nhân viên y tế cơ sở và các thành viên tổ Covid cộng đồng cần được đáp tạo, tập huấn về cách nhận biết các dấu hiệu nhiễm Covid-19 và các triệu chứng từ nhẹ đến nặng.. để có thể chăm sóc, theo dõi và chuyển viện an toàn trong trường hợp có bệnh nhân diễn biến nặng.
Vừa qua, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho người thuộc diện F1 để áp dụng thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện việc cách ly F1 tại nhà chưa thể triển khai bởi có quá nhiều điều kiện, khó áp dụng trong thực tế. Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho rằng, việc cách ly F1 tại nhà hiện nay đang là thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó mới có thể thực hiện rộng rãi.
Chiến lược quản lý, điều trị F0 tại nhà cũng chưa thể áp dụng ngay mà cần phải có các bước chuẩn bị, xây dựng quy trình chuẩn và rà soát các tiêu chí để đảm bảo an toàn cho những người sống cùng nhà với F0. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chiến lược này cần được tính đến bởi dịch Covid-19 ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng rất nhanh. “Các chuyên gia đã tính toán đến kịch bản nước ta có 30 nghìn ca nhiễm Covid-19, tuy nhiên, hiện nay nước ta đã tiệm cận con số này rồi. Điều gì sẽ xảy ra nếu số người nhiễm lên đến 50 nghìn, 70 nghìn hay 100 nghìn ca? Nếu không có kế hoạch nhìn xa hơn thì khi con số 50, 70 nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2 thành hiện thực thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng giống như một số quốc gia trong khu vực đang lao đao, điêu đứng khi hệ thống y tế quá tải vì đối mặt với số lượng người nhiễm quá lớn.”- BS Nguyễn Quốc Thái nói.
Hiện tại, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly F1 tại nhà thì cần phải đủ điều kiện như có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Tuy nhiên, nhiều gia đình ở Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu này. Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho rằng, đối với việc quản lý, cách ly F1 và sau này có thể là cả F0 thì đây là điều kiện bắt buộc để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 cho các thành viên khác trong gia đình. Để khắc phục, các hộ gia đình có người cần cách ly có thể bố trí lắp tạm những vách ngăn bằng vật liệu nhẹ, không nhất thiết phải đặt ra tiêu chuẩn phòng cách ly có diện tích 10-20m2 mà chỉ cần tách biệt và đủ thoáng.
“Song điều kiện tiên quyết để nghĩ đến chiến lược điều trị F0 tại nhà đấy là nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ cách ly, phòng chống lây nhiễm và thượng tôn pháp luật của bệnh nhân Covid-19. Đây là yếu tố rất quan trọng và quyết định sự thành bại của chiến lược này.” Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.