Sáng 17/4, TP HCM đã lắp đặt thiết bị định vị trên một số nguồn phóng xạ thuộc sở hữu của Công ty TNHH Apave châu Á – Thái Bình Dương (Apave) và đang được sử dụng tại Vũng Tàu.

Trước đó, trong tháng 9/2014, Công ty Apave đã bị thất lạc một nguồn phóng xạ di động. Ngay sau sự cố này UBND TP HCM đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia TP HCM nghiên cứu chế tạo thiết bị định vị gắn trên các nguồn phóng xạ.

phong_xa_jigo.jpg Nguồn phóng xạ di động của Công ty Apave được lắp thiết bị định vị

Thiết bị định vị gắn trên nguồn phóng xạ này được nghiên cứu chế tạo dựa trên chip vi điều khiển SG8V1. Đây là chip do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP HCM thiết kế và đã được một nhà máy tại Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất trong năm 2014.

Nguồn phóng xạ được lắp định vị khi đứng yên cứ 10 giờ sẽ gửi thông tin về vị trí một lần. Trong trường hợp thiết bị di chuyển thì cứ 10 phút định vị sẽ gởi thông báo về trung tâm. Trong quá trình nguồn phóng xạ di chuyển phần mềm quản lý sẽ vẽ lại hành trình của thiết bị.

Thiết bị định vị này được hoạt động trên phần mềm quản lý ở máy chủ trung tâm do Trung tâm Nghiên cứu triển khai, thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM thiết kế. Hiện tại phần mềm này đảm bảo được hoạt động cùng lúc cho 10 ngàn thiết bị và còn quản lý được cả nồng độ phóng xạ.

Trước mắt thiết bị định vị này sẽ được lắp đặt trên 124 nguồn phóng xạ di động có chủ sở hữu tại TP HCM.

Trong ngày 17/4, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết rằng đề xuất sửa đổi Thông tư 23/2010/TT-BKHCN để tăng cường việc quản lý nguồn phóng xạ chỉ còn chờ Hội Kiểm tra không phá hủy Việt Nam có ý kiến đồng ý thì sẽ được thông qua.

Khi được thông qua, nguồn phóng xạ mới nhập về sẽ phải được lắp đặt thiết bị định vị trước khi đưa vào hoạt động và trong vòng sáu tháng các nguồn phóng xạ di động đang hoạt động cũng phải hoàn thành việc lắp thiết bị định vị GPS.

Cũng theo ông Tấn, theo yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, thiết bị định vị được lắp đặt trên nguồn phóng xạ phải cùng lúc theo dõi được vị trí và nồng độ phóng xạ gởi về trung tâm dữ liệu.

Hiện đã có ba đơn vị chế tạo thiết bị định vị và đo nguồn phóng xạ này đang gởi thiết bị cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân xem xét, trong đó có thiết bị của ICDREC./.