Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với các cơ quan ban, ngành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục họp bàn phương án tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc xảy ra ngày 25/3 tại Công ty thép Pomina.
Giải pháp hiện nay là dùng máy đo do Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân hỗ trợ, đồng thời phân công lực lượng trực tiếp đi tìm tại... các vựa ve chai.
Trước đó, ngày 25/3, Công ty Thép Pomina (Bà Rịa – Vũng Tàu) thực hiện bàn giao công tác quản lý về an toàn bức xạ đã phát hiện thất lạc nguồn phóng xạ Co-60.
Ngày 3/4 sau khi nhận đơn báo mất nguồn phóng xạ của Nhà máy luyện phôi thép Pomina, Bộ Khoa học - Công nghệ và Cục An toàn Bức xạ hạt nhân có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm thu hồi nguồn phóng xạ bị mất. Đồng thời, đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ từ Hà Nội mang theo nhiều thiết bị dò tìm phóng xạ vào để hỗ trợ truy tìm.
Nguồn phóng xạ bị mất là loại Co-60, dạng hình trụ đường kính 14cm, dài 45cm, nặng khoảng 45kg, dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, nguồn phóng xạ Co-60 bị mất có hoạt độ phóng xạ hiện tại khoảng 2,33 mCi, có khả năng gây ảnh hưởng trong khoảng 8-10m khi bị rò rỉ ra ngoài.
Nếu người dân vô tình tiếp xúc trực tiếp lâu dài với nguồn phóng xạ này sẽ nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo thống kê về thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Việt Nam có gần 1000 cơ sở bức xạ đang tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ với khoảng gần 6000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn với các mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau. Trong đó, có trên 1800 nguồn không còn sử dụng được và đang lưu giữ tại các cơ sở lưu trữ để phóng xạ phân hủy hết.
Ông Cấn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tại một số đơn vị và địa phương, các cấp quản lý nguồn phóng xạ vẫn bất cẩn và hiểu biết không đầy đủ về các thiết bị có sử dụng phóng xạ.
“Nguồn phóng xạ rất nguy hiểm nên bằng mọi cách phải tìm được. Tiếp nữa, chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn cho các đơn vị lưu giữ và sử dụng các nguồn phóng xạ. Không chỉ tập huấn cho những người chuyên làm với nó mà cả những lãnh đạo đơn vị đó. Đồng thời, làm chặt chẽ lại các văn bản quản lý. Sắp tới, sẽ tiến hành gắn các chip định vị các thiết bị phóng xạ di động để biết được vị trí cũng như đo được độ phóng xạ nếu bị phát tán ra. Đây cũng là cách phòng ngừa nếu thất lạc có thể tìm lại ngay. Còn khi chưa được gắn thì việc tìm kiếm rất khó khăn”, ông Minh nói./.