Sáng 8/4, Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động vận tải hành khách công cộng và trợ giá xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2002 – 2015.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng có trợ giá tại TP HCM bắt đầu triển khai từ năm 2002. Khối lượng vận chuyển hành khách tăng đều hàng năm trong 10 năm đầu tiên, sau đó bắt đầu giảm liên tục trong những năm gần đây.

Hiện nay, thành phố có 136 tuyến, trong đó có 105 tuyến có trợ giá, đã cơ bản phủ khắp các quận, huyện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sản lượng 36 triệu lượt khách vào năm 2002 đã tăng đến 413 triệu lượt vào năm 2012.

xe_buyt_pyop.jpg
Xe buýt chịu nhiều áp lực

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, phương tiện bắt đầu xuống cấp, thiếu bến bãi, dịch vụ kém chất lượng… nên sản lượng hành khách giảm dần, năm 2015 chỉ còn 335 triệu lượt. Việc trợ giá cho hoạt động của xe buýt cũng dần không phù hợp với thực tế, không khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ, thanh quyết toán phức tạp…

Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của thành phố là đến 2020 ngành vận tải công cộng đạt 15% nhu cầu vận chuyển của người dân, tức là khối lượng vận chuyển đạt hơn 1 triệu lượt so với 574 triệu lượt, đáp ứng 9,3% nhu cầu đi lại như hiện nay.

Theo Sở Giao thông-Vận tải TP HCM, để đạt chỉ tiêu này, thành phố  sẽ tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, sắp xếp các tuyến hợp lí, nghiên cứu tích hợp xe đạp công cộng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thay mới 1.500 xe buýt. Đồng thời, rà soát, bố trí quĩ đất, ưu tiên làn tuyến hợp lí; kết nối các tuyến xe buýt với xe buýt nhanh để khai thác hiệu quả…. Riêng phương thức trợ giá được nhiều chuyên gia về giao thông kiến nghị cần phải thay đổi.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cảnh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng: "Trợ giá cho người sử dụng, còn trợ giá cho doanh nghiệp là đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho tốt để người dân thuận lợi đi lại chứ không phải trợ giá trên chi phí như hiện nay. Chi phí cho người sử dụng không lên trong khi chi phí cho doanh nghiệp tăng. Rõ ràng doanh nghiệp không có động cơ để tiết kiệm chi phí"./.