Xe buýt là phương tiện giao thông quan trọng tại TP HCM. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có một thực tế là lượng khách đi phương tiện này ngày càng giảm. Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

xe_buyt_1_jrzk.jpg
Xe buýt ít được đầu tư cũ nát.

Bước lên một chiếc xe buýt số 8 vào giờ cao điểm chiều, chúng tôi nhận ngay lời ca cẩm của nhân viên bán vé khi đưa tờ tiền 100 ngàn để mua 2 vé xe buýt về Thủ Đức. Xe đông đúc và việc đón khách các trạm kế tiếp diễn ra khá vội vã, có người vừa bước một chân lên xe thì xe đã chuyển bánh. Nhiều lúc gặp đoạn đường vắng, bác tài nhấn ga chạy khá nhanh, rồi lại tấp vào bến gấp làm cho nhiều người mất thăng bằng.

Tình trạng chen lấn, mệt mỏi, bỏ trạm, không đúng giờ làm cho nhiều người bực bội. Nhiều hành khách nêu ý kiến: “Nhiều khi mệt mỏi lên xe buýt thì cảm giác rất bực bội, nóng nực. Xe cũng không có quạt, điều hòa xe có, xe không”.

Một hành khách cho hay: “Trước em cũng đi xe buýt nhưng mà đi toàn gặp cảnh chật chội, nóng, nhiều khi phải đứng lâu. Hên thì gặp tiếp viên tốt không thì gặp nhân viên gay gắt khó chịu. Mà giờ em cũng ít đi bằng xe buýt rồi”.

Xe bỏ bến khiến hành khách lỡ chuyến cũng là nguyên nhân hành khách “cạch” xe buýt: “Em thường phải đón những tuyến xe buýt trễ để về nhà tầm 9h tối. Khi đi những tuyến xe buýt đó em thường gặp những trường hợp bác tài bỏ khách dọc đường không đón và em cũng là một trong những nạn nhân đó”.

Có nhiều nguyên nhân hành khách quay lưng với xe buýt.

Thực tế, đa số xe buýt tại TP HCM hiện nay không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản ngày càng cao nên không còn là sự lựa chọn hấp dẫn của đa số người dân thành phố.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận xét: “Xe buýt TP HCM sau hơn 10 năm cũ quá rồi, xấu quá rồi. số lượng xe mới quá ít. Quản lý quá lạc hậu, có doanh nghiệp phàn nàn với tôi là muốn đưa vào đầu tư hệ thống quản lý vé hiện đại, không có người thu vé nữa nhưng lại không được tính vào chi phí. Đặc biệt là phải nâng cao hiệu quả quản lý việc trợ giá”.

Theo số liệu của Trung tâm Vận tải hành khách công cộng, hiện thành phố có 136 tuyến xe buýt, trong đó có 105 tuyến có trợ giá. Lượng hành khách đi xe buýt trong năm là khoảng 324 triệu lượt, giảm 11,7% so với năm trước và là năm thứ 3 giảm liên tiếp. Hàng năm ngân sách thành phố trợ giá xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng, riêng năm 2015 là 927 tỷ đồng so với dự toán 1.180 tỷ đồng, nguyên nhân giảm do giá nhiên liệu giảm mạnh và điều chỉnh số tuyến cho phù hợp với thực tế. Như vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội của phương tiện này không như mong muốn vì lượng người đi xe buýt giảm. 

Trước thực tế trên, ngành giao thông Thành phố cũng đã có nhiều giải pháp để kéo người dân đi xe buýt trở lại mà quan trọng nhất là hoàn thiện đề án Quy hoạch vận tải hành khách công cộng đến năm 2025; sắp xếp lại luồng tuyến theo hướng liên thông và phủ khắp, đầu tư thêm bến bãi tại bến xe Tân Phú, đường Trường Chinh, bến xe buýt Cầu Lớn và Cần Giờ; đầu tư khoảng 1.700 xe buýt mới để dần thay thế các xe buýt cũ đã xuống cấp, đưa xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG thân thiện với môi trường... Đặc biệt, việc chấn chỉnh cung cách phục vụ cũng là giải pháp mà ngành giao thông hướng tới.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM nói: “Sau năm 2013 vận tải xe buýt liên tục giảm đó là do xe đã đến cuối đời nên chất lượng xe giảm. Vì thế bài toán đặt ra cho ngành giao thông là phải tiện lợi, tức là cải thiện về cơ sở vật chất, cải thiện xe cộ, đổi xe, đầu tư thẻ thông minh và chúng tôi làm từng điểm xem như thế nào”.

Xe chạm giờ, bỏ chuyến khiến hành khách mất niềm tin.

Theo Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nguyên nhân thực sự khiến nhiều người quay lưng là do xe buýt không đảm bảo được yếu tố giờ giấc và không có mạng lưới luồng tuyến hợp lý để người dân chọn phương tiện này vì dễ gặp rắc rối theo kiểu đi xe buýt, về xe ôm, taxi… Chính yếu tố này làm cho xe buýt không thu hút thêm được hành khách có công việc cần đúng giờ giấc. 

Tiến sỹ Phạm Sanh cho rằng, thành phố cần phải có sự ưu tiên cho xe buýt như có làn đường riêng, hệ thống đèn ưu tiên hay như việc có thể làm ngay là tận dụng lề đường rộng khoét thêm vào thành điểm đậu xe buýt: “Làm sao cho đúng giờ, làm sao cho đủ chuyến thì đầu tiên phải có đường cho xe chạy, có hạ tầng đã. Nên có qui định về giao thông xe buýt, hiện nay luật giao thông tại Việt Nam không nói rõ.

Xe buýt trong thành phố phải có luật riêng mình cũng chưa  thấy rõ. Những cái này chúng ta làm trước đi thì may ra xe buýt mới lấy lại uy tín, nâng dần chất lượng phục vụ lên và người ta đi nhiều hơn”.

Trong bối cảnh mạng lưới metro sẽ hình thành trong thời gian tới, thành phố phải nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống xe buýt thì mới phát huy được thế mạnh và lấy lại được sự tin tưởng của người dân. Hiện mỗi ngày vẫn có gần 1 triệu lượt người sử dụng phương tiện này để di chuyển, vì thế nếu thu hút thêm lượng khách đi xe buýt sẽ góp phần rất quan trọng trong quá trình kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông./.