Không chỉ thế, bằng cách tích cực mua bán đồ cũ, người tiêu dùng đang góp phần xây dựng một tương lai phát triển bền vững, bởi khi vòng đời sử dụng của một sản phẩm tăng lên thì áp lực lên môi trường sẽ giảm đi. 

Dự án “Chợ Tốt hướng về kinh tế tuần hoàn” gồm nhiều sáng kiến, hoạt động ý nghĩa nhằm truyền cảm hứng để mỗi người Việt cùng nhận thức và hành động nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững.

Bước đi đầu tiên của dự án là triển lãm “Sống mới với cũ” vừa diễn ra tại Hà Nội với 10 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được sáng tạo từ 100% nguyên liệu là đồ vật đã qua sử dụng. Được sáng tạo từ giấy báo cũ, xoong chảo, giầy dép, đồ điện tử…các tác phẩm “Kiến tạo”, “Tái sinh, “Con đường mới”, “Tuần hoàn”, “Thoát kén”… giúp người xem hiểu hơn về tác hại của chủ nghĩa tiêu dùng quá mức, khi việc mua sắm liên tục diễn ra và đồ cũ không ngừng bị vứt bỏ sẽ tạo ra khối lượng rác thải khổng lồ gây áp lực trực tiếp đến môi trường sống.

Ấn tượng với các tác phẩm sắp đặt độc đáo của triển lãm “Sống mới với cũ”, anh Trần Minh Tuấn, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội và chị Nguyễn Thị Hiền ở Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Tôi khá ấn tượng với tác phẩm kiến tạo, việc sử dụng những đồ vật cũ như đài cát sét, điều khiển điều hoà hay điện thoại cũ...tạo thành hình cánh tay vươn ra như phản ánh việc xã hội phát triển, chạm đến đỉnh cao công nghệ nhưng con người vẫn có thể tái sử dụng những vật dụng cũ".

“Thực sự chưa bao giờ thấy những tác phẩm được sáng tạo từ rổ giá, xoong chảo, giầy dép hay điều khiển điều hoà, điện thoại cũ.- những đồ vật từng rất quen thuộc với mình. Lâu nay, đồ cũ mình thường cho hoặc vứt đi, sau khi xem triển lãm bản thân cũng ngẫm ra nhiều điều, có lẽ mình nên tái sử dụng những đồ vật cũ hoặc mua lại những món đồ vẫn sử dụng tốt, hạn chế bỏ đi, ảnh hưởng đến môi trường".

10 tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Sống mới với cũ” là thành quả của các nghệ sĩ và nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật trên cả nước trong hơn 2 tháng miệt mài sáng tác.

Đặc biệt, việc tham gia dự án nghệ thuật “Sống mới với cũ” không những mang đến nhiều cảm hứng sáng tác mới lạ mà còn giúp các nghệ sỹ thay đổi thói quen mua sắm hiện tại. Chị Hoàng Thái Ly, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và bạn Hoàng Kiến Phúc, sinh viên trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thực sự là một công việc rất thú vị, nó là những đồ vật có đời sống riêng của nó và đã trải qua rất nhiều thăng trầm, đôi khi có những đồ vật còn nhiều hơn tuổi của mình thì mình sử dụng những đồ vật đó vào sáng tạo ra một cái gì đó mới, tạo nên sự hấp dẫn,  khiến mình có cảm hứng sáng tác. Tác phẩm của mình là con đường mới, mang ý nghĩa là chợ tốt đã đi được một quãng đường dài khoảng 10 năm rồi và gần như đang tạo ra một xu hướng sử dụng đồ cũ, tái tạo vòng đời đồ cũ. Về tác phẩm mầm xanh, mang ý nghĩa là sự tiếp nối sử dụng những đồ cũ và cho đồ cũ đến đời sống mới, đến với những chủ mới và gần như tạo ra những cái xu hướng phát triển bền vững, khuyến khích sử dụng đồ cũ”.

“Trong quá trình làm cũng như trao đổi với những tác giả khác, tôi nhận thấy đồ cũ mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành một tương lai sống xanh. Thay vì những món đồ cũ ấy thải ra môi trường, tác động xấu đến môi trường thì mình có thể kéo dài vòng đời của nó hơn và hạn chế rác thải đó. Từ đó thì mình có thể xây dựng một thế giới bền vững, tiêu dùng bền vững, sống xanh.”

Với sức hút từ thẩm mỹ và những thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, triển lãm “Sống mới với cũ” đã nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả thủ đô với hàng trăm lượt tham quan mỗi ngày sau 3 ngày tổ chức. Hiện, triển lãm đã được dựng thành hình ảnh 3D nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật cho người xem. Theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược của Chợ Tốt, thời gian tới dự án “Chợ Tốt hướng đến nền kinh tế tuần hoàn” sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bên tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống xanh cho người dân.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm các hoạt động, khuyến khích người dùng trích một phần tiền trong giao dịch trên chợ tốt, cũng như là Chợ Tốt sẽ đóng góp thêm từ phía công ty để hỗ trợ các tổ chức cộng đồng đang đóng góp cho việc bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững. Ví dụ như là đóng góp cho cộng đồng ve chai tra chẳng hạn. Đây là một cộng đồng có những anh chị đang thầm lặng thu gom rác thải nhựa và đóng góp rất lớn trong việc giúp tái chế rác thải nhựa"- bà Ngọc nói.

Theo Carousell Recommerce Index 2021, do Tập đoàn Carousell Group, tập đoàn Quảng cáo Rao vặt hàng đầu ở Đông Á và Đông Nam Á thực hiện, 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng sẽ tiếp tục hoạt động này. Bên cạnh đó, tiêu dùng bền vững, trong đó tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z- thế hệ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới./.