Tháng 5 đến tháng 7/2021 là thời gian cao điểm hạn hán tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Theo ông Triệu Văn Trung ở xã Kông Lơng Khơng, hạn hán khiến diện tích mía, lúa, ngô của gia đình đều bị ảnh hưởng. Lúa và mía chậm lớn, đẻ nhánh ít, riêng 6 sào ngô gặp hạn đúng giai đoạn trổ bông, kết hạt, nên thất thu.

“Tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, do trời không mưa, hạn hán quá dẫn tới nhiều diện tích hoa màu mất thu. Nắng quá, khiến nhiều diện tích cây hoa màu không thụ phấn được, lép hạt, quả có 3 phần, thì có hạt 1 phần”, ông Trung cho hay.

Còn tại huyện Krông Pa, nơi được gọi là “chảo lửa” của tỉnh Gia Lai, trên cánh đồng Kơ Ja, xã Chư Gu, thuộc vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mlah, anh Nay Yi đang dọn dẹp những gốc sắn chết trên mảnh ruộng khô khốc hơn 2ha. Bây giờ, đã có một vài trận mưa, anh muốn trồng lại hoa màu ngắn ngày, nhưng chưa có tiền mua giống, vì mọi vốn liếng đã dùng để mua phân bón và sắn giống trên mảnh ruộng.

“Gia đình tôi trồng hơn 2 ha mỳ nhưng nắng hạn kéo dài làm cây mỳ chết hết. Bây giờ tranh thủ mưa xuống, chúng tôi gieo lại bắp. Tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ giống bắp và đậu xanh để người dân trồng lại”, ông Triệu Văn Trung cho biết thêm.

Hạn hán trong vụ mùa 2021 khiến cho hàng chục nghìn ha cây trồng của người dân các huyện đông và đông nam tỉnh Gia Lai như Thị xã An Khê, các huyện Kbang, Đăk Pơ, Ia Pa, Kông Chro, Krông Pa bị ảnh hưởng. Trong đó, các địa phương bị hạn nặng nhất là huyện Kbang, với hơn 2.100 ha và huyện Krông Pa hơn 16.200 ha (chiếm 45% tổng diện tích cây trồng vụ mùa 2021 tại huyện). Cũng tại huyện Krông Pa, hơn 12.000 ha cây trồng bị thiệt hại nặng trên 70%, chủ yếu là cây sắn và lúa.

Ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết, trước mắt, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân trồng dặm ở diện tích bị ảnh hưởng, tập trung chăm sóc cây trồng ở nơi chủ động được nguồn nước tưới. Đối với diện tích không thể cứu vãn được, thì nông dân cần chủ động nguồn giống cây hoa màu ngắn ngày để khi thời tiết có mưa thì gieo trồng, bắt kịp thời vụ.

“Bây giờ, thời vụ của cây sắn không còn nữa nên khuyến cáo người dân mua giống cây bắp và cây đậu, đỗ để trồng lại diện tích đã chết. Đối với những diện tích được tưới từ những công trình thủy lợi thì chỉ đạo các đơn vị quản lý, tăng cường điều tiết, tiết kiệm nước, đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa và cây trồng cạn trong vùng tưới”, ông Đinh Xuân Duyên cho hay.

Ngoài những giải pháp tức thời, ngành nông nghiệp các địa phương Đông và Đông Nam Gia Lai cũng khuyến cáo người dân nên chuyển đổi cây trồng phù hợp hơn ở diện tích thường xuyên gặp hạn. Đây là giải pháp cần thiết và lâu dài để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra../.