Không chỉ chăm sóc, dạy dỗ các bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn, cô giáo Hạnh còn là người gieo vào tâm hồn các em tình yêu, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Từ cửa khẩu Hoành Mô đi theo con đường tuần tra biên giới chừng 10 km, điểm trường Mầm non bản khe Mọi nằm nép dưới chân dãy núi hùng vĩ.
Gắn bó với sự nghiệp "trồng người" đã 15 năm, phần lớn thời gian công tác của cô giáo Lý Thị Hạnh là tại điểm trường Khe Mọi. Cô giáo Hạnh tâm sự: Ước mơ từ bé là trở thành một giáo viên hàng ngày dạy chữ cho các em nhỏ. Khát khao ấy xuất phát từ tình thương đối với các em nhỏ người Dao tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), nơi quê hương mình.
"Các cháu nhỏ tại đây, khi tôi lên dạy thì các cháu không biết tiếng Việt, ra lớp các cháu không thể tiếp thu kiến thức nếu như chúng tôi nói bằng Tiếng Việt. Cho nên là tôi phải sử dụng song ngữ, vừa nói bằng tiếng Dao để các cháu hiểu và sau đó tôi sẽ nói bằng Tiếng Việt để các cháu nhắc lại, từ đó các cháu sẽ học tốt hơn với phương pháp dạy song ngữ" - cô giáo Hạnh tâm sự.
Đầu năm 2006, cô giáo Lý Thị Hạnh chuyển công tác về trường Mầm non xã Đồng Văn (huyện miền núi Bình Liêu, Quảng Ninh) và xung phong dạy học ở điểm trường Khe Mọi. Bản Dao với hơn 80 hộ gia đình; cuộc sống kinh tế của đồng bào chủ yếu trông vào mảnh nương nên còn rất nhiều khó khăn. May mắn, cô giáo Hạnh cũng là người Dao Thanh Phán nên có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ khi đến vận động phụ huynh cho con em ra lớp.
Cô giáo Nông Thị Mần, cùng công tác tại điểm trường Khe Mọi cho biết, ở đây đa phần là dân tộc Dao Thanh Phán nên chúng tôi rất khó khăn trong việc giao tiếp với phụ huynh cũng như trong công tác nuôi dạy các cháu. May mắn là có cô giáo Hạnh cũng là người dân tộc Dao nên cô hiểu rõ được phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào Dao. Từ khi điểm trường có cô Hạnh lên dạy thì việc nuôi dạy trẻ ở đây trở nên dễ dàng hơn.
Gần 15 năm bám bản, bám trường, cô giáo Lý Thị Hạnh đã thực sự là người con của bản Khe Mọi. Ngoài dạy văn hóa cho trẻ ở trên lớp, cô Hạnh còn là một trong những người góp phần gìn giữ và những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao. Mỗi buổi học, cô Hạnh thường dạy các em những điệu hát, chỉ cho các em vẻ đẹp trong những bức thêu của dân tộc mình... Ước mơ của cô Hạnh là các em học sinh người Dao đều ý thức được việc cần giữ gìn văn hóa truyền thống, hiểu được sự tinh tế, vẻ đẹp những hoa văn thổ cẩm và hát được những điệu dân ca của đồng bào Dao.
Chíu Thị Duyên, học sinh trường Tiểu học xã Đồng Văn háo hức: "Con rất thích điệu hát Pả Duung của người Dao chúng con, bao giờ cô Hạnh mở lớp dạy hát thì con nhất định sẽ xin bố mẹ để đến học".
Niềm vui lớn nhất của cô giáo Hạnh là được nhìn thấy các em nhỏ người Dao biết đọc, biết viết tiếng phổ thông và thông thuộc từng làn điệu dân ca, từng điệu hát của dân tộc mình... Tâm huyết với nghề, cô giáo Lý Thị Hạnh cùng các cô giáo, thầy giáo vùng cao vẫn hàng ngày băng rừng, vượt dốc để gieo ước mơ cho học sinh miền núi. Ngày 20/11 đối với họ không cầu kỳ, khoa trương mà chỉ là vài bông hoa rừng học sinh hái tặng, cũng đủ ấm lòng./.