Đường tới điểm trường Chè Lỳ A, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm ngoằn ngoèo, uốn lượn quanh các triền núi. Sương mù bảng lảng vương trên những hàng sa mộc cheo leo bên vách núi. Cô giáo Hoàng Thị Diệu còn nhớ như in cảm giác cách đây 7 năm khi vừa rời ghế nhà trường đến với vùng cao này. "Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh" là câu nói của người Cao Bằng để chỉ vùng đất thâm sơn cùng cốc này. Những đêm đông lạnh buốt, nỗi nhớ nhà khiến cô có lúc từng nản chí. Những đứa trẻ người Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô... trên đỉnh Chè Lỳ là chỗ dựa tinh thần của các cô giáo trẻ.

 “Em đã công tác trên đây được 7 năm, lúc mới lên đây em cũng cảm thấy hơi nản một chút vì điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhưng khi lên đây cùng các em thì cảm nhận được cuộc sống của các em học sinh đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn hơn nữa. Cũng vì yêu nghề em cảm thấy cuộc sống cũng bình thường thôi, ở đâu mình quen môi trường ở đấy, hoàn cảnh làm nên con người nên đến giờ phút này em cảm thấy cuộc sống ở đây cũng không đến nỗi quá khó khăn, cũng có thể do em đã quen với điều kiện ở đây rồi", cô giáo Hoàng Thị Diệu nói.

Cô giáo Hoàng Thị Ý, dạy lớp 2, lên điểm trường Chè Lỳ A đã hơn 14 năm. Cũng chừng ấy năm, mỗi khi được nghỉ phép, cô giáo Ý chạy xe máy về nhà ở huyện Hòa An, cách trường 150 km để thăm chồng, con. Với cô Ý, dường như đây là gia đình thứ 2 dù cuộc sống ở điểm trường vô vàn thiếu thốn. Huyện Bảo Lâm từng là vùng đất “bốn nhất”: Nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào DTTS đông nhất tỉnh Cao Bằng. Trong Bảo Lâm, xã Đức Hạnh gần như bị chia cắt với bên ngoài bởi những dãy núi đá vôi sừng sững. Chọn điểm trường Chè Lỳ A của xã Đức Hạnh để gắn bó hơn 14 năm quả là điều không dễ dàng với cô giáo Hoàng Thị Ý.

 “Nói chung ở đây, các thầy cô giáo sinh hoạt rất khó khăn, từ thời xưa tôi vào đây hơn 10 năm trước, năm 2008 tôi vào thì đường ô tô mới mở vào đến Chè Lỳ, đường xuống các xóm chưa có, sinh hoạt các cô rất khó. Đi lấy nước thì chỉ lấy ở khe dưới nhà trường, có 1 khe nhưng nước ra rất nhỏ, các cô nhiều lúc đi lấy không có nước, phải mang xô về không”, cô giáo Hoàng Thị Ý cho hay.

Nói như cô giáo Trần Thị Vực, dù có vất vả bao nhiêu, nhưng các đồng nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết như cô Diệu, những người gắn bó cả tuổi thanh xuân như cô Ý… hay cả bản thân cô đều sẵn sàng vượt qua để mang “con chữ” tới những đứa trẻ ở vùng đất khô cằn này. Trong cái khó, ló cái khôn, cô Vực đã nghĩ ra cách tích trữ nước sinh hoạt hàng ngày – bởi nước là cái thiếu nhất ở bản cao. Căn phòng vỏn vẹn 20 m2, ngoài bàn làm việc đầy ắp giáo án, chiếc giường nhỏ, còn lại mọi chỗ là đặt những bao dứa dự trữ nước. Đã 21 năm đứng lớp cũng chừng ấy thời gian cô gắn bó với mảnh đất này chỉ bởi 2 chữ “yêu nghề”.

 “Nói chung cũng chỉ vì cuộc sống trên này vất vả, nước nôi thì không có, bắt đầu mình nghĩ hứng nước từ mái nhà thôi, xách từng xô vất vả quá, sau nghĩ ra lấy máng, vòi dẫn vào từng phòng sẽ tiện, thuận lợi và mình đỡ vất vả hơn. Vì điều kiện gia đình, vì điều kiện con em đồng bào nơi đây, từ học sinh đến phụ huynh cũng còn nhiều hạn chế. Cũng vì yêu ngành, yêu nghề nên bám trường, bám lớp được 21 năm rồi. Tình cảm người dân thì bà con rất quan tâm, còn giáo viên cũng quan tâm học sinh và cũng thi thoảng đến nhà dân vận động họ quan tâm đến con em mình hơn, đi học đầy đủ”, cô giáo Trần Thị Vực nói.

Trên non cao, tiếng hát của những đứa trẻ Mông, Tày, Lô Lô… đã nuôi bao hy vọng cho những cô giáo cắm bản trong hành trình “gieo chữ”. Ước vọng về ngày mai – Đức Hạnh, nơi gian khổ nhất của tỉnh biên giới Cao Bằng sẽ đổi thay nhờ những lớp học giữa đỉnh trời./.