Thi tuyển giúp nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo cấp cao (Ảnh minh họa, nguồn tuyencongchuc.vn) |
Quảng Ninh- địa phương năng động nằm ở phía Đông bắc của tổ quốc được xem là địa chỉ tiên phong trong công tác thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Hơn 1 năm qua, Quảng Ninh đã có 12 cán bộ cấp sở được bổ nhiệm thông qua các đợt thi tuyển lãnh đạo, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1982.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, hầu hết các chức danh ở các vị trí khác nhau đều nắm bắt rất nhanh và có những tham mưu, đề xuất khoa học và đổi mới cho lãnh đạo tỉnh trong việc điều hành, chỉ đạo công việc chung. Có những vị trí đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình ngay khi được bổ nhiệm.
Bà Phạm Hồng Lan - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, người trúng tuyển trong đợt thi đầu tiên cho biết: Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo đã đạt được mục tiêu kép. “Cái được lớn nhất của công tác thi tuyển, đó là tính công khai, minh bạch và rõ ràng. Thứ hai, cán bộ được bổ nhiệm qua thi tuyển có những áp lực lớn hơn so với bổ nhiệm bình thường. Chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn, thậm chí gấp đôi để hoàn thành công việc của mình. Thứ nhất là để thấy rằng, Ban giám khảo đã lựa chọn đúng người và thứ hai là chúng tôi cũng mong muốn đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh”.
Năm 2013, cùng với Quảng Ninh, các địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình cũng đã tiến hành thi tuyển được hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị. Tại Thái Bình, tính đến ngày 31/1/2014, đã có 35 cán bộ cấp sở, cấp huyện được lựa chọn từ 69 thí sinh thi tuyển. Ông Đặng Văn Hách, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng, việc thực hiện tuyển chọn công chức bằng hình thức thi tuyển đã khắc phục được vấn đề cơ bản nhất hiện nay trong tuyển chọn cán bộ là tình trạng “con ông cháu cha”, ảnh hưởng đến chất lượng “đầu vào”.
Ông Đặng Văn Hách nói: "Thông qua khâu đăng ký thi tuyển, thẩm định hồ sơ, văn bằng và nội dung kiến thức trong môn thi thì lựa chọn được các cháu cơ bản có đủ trình độ đào tạo và năng lực hơn so trước đây. Trước đây tuyển chọn chỉ tiếp nhận hồ sơ đơn lẻ sau đó xem xét thì ít được công khai. Thi tuyển thì đông đảo hơn và có sự tuyển chọn công khai, chấm công bằng minh bạch. Rõ nhất là hạn chế trong dư luận nhân dân lâu nay cho là thiếu minh bạch”.
Trong năm 2014 này, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bến Tre… cũng có kế hoạch tổ chức thi cán bộ cấp sở, cấp phòng. Không chỉ các địa phương, mà ngay cả các bộ, ngành cũng đang có những “bước đi” quyết liệt để thi tuyển cán bộ. Điển hình là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) với thông báo sẽ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ vào tháng 4 năm nay. Đây được xem là sự thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu tổ chức cán bộ của Bộ này, với những yêu cầu cao về năng lực làm việc và kinh nghiệm công tác.
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết: “Đối tượng thi tuyển trên phạm vi cả nước. Người thi tuyển phải lên được chương trình phát triển của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong 10 năm tới, đưa ra định hướng và cách xử lý về phát triển hạ tầng đường bộ cũng như bảo trì đường bộ. Sau khi kết thúc đợt thi tuyển, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiến hành đánh giá một cách nghiêm túc”.
Thi tuyển cán bộ lãnh đạo là một cách làm mới, dân chủ, công khai và có thể chọn được người thực tài so với cách làm bổ nhiệm cán bộ truyền thống, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng “chạy chức, chạy quyền” đang bức xúc trong dư luận hiện nay. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Nghị quyết TW4 đã chỉ ra, một trong những yếu kém hiện nay là vấn đề chạy chức, chạy quyền. Qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW4, nhiều nơi cũng đặt ra vấn đề này và thừa nhận ở địa phương mình, ngành mình cũng có chuyện đó. Nhưng việc chỉ ra địa chỉ cụ thể ở chỗ nào, bộ phận nào và ai chạy thì chưa làm được. Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết TW4, trung ương cũng thấy rằng đây là một hạn chế”.
Từ việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo ở các địa phương và một số bộ, ngành, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh, cần phải mở rộng dân chủ, tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Bởi lẽ, năm 2014 này, công tác cán bộ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó là cơ sở để gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12./.