Sáng nay (28/9), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo đánh giá mức độ an toàn, ổn định đập và công bố kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, sau sự cố thấm nước qua thân đập và nhiều trận động đất xảy ra tại khu vực này. 
ong%20nguyen%20van%20lien%20pct%20hoi%20dong%20nghiem%20thu%20nha%20nuoc1.jpg
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên (đứng) phát biểu tại cuộc họp báo
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thông báo kết quả xử lý thấm, kiểm tra xử lý thấm, an toàn ổn định đập Thủy điện Sông Tranh 2 và kết quả khảo sát động đất.
Theo đó, sau khi xứ lý thấm 30 khe nhiệt, tổng lưu lượng thấm còn 3,23 lít/giây, giảm trên 99% đối với những khe thấm lớn. Các trận động đất xảy ra trong thời gian qua là động đất do kích thích liên quan đến việc tích nước hồ chứa Sông Tranh 2. Chấn động cực đại của các trận động đất lớn nhất đều không vượt quá cấp 6 và trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn nhưng khó có thể vượt quá 5,5 độ richter. 
Ông Nguyễn Văn Liên khẳng định hiện tại đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn. 
Tại cuộc họp báo nhiều câu hỏi chất vấn về báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng mỗi công trình thủy điện đều có nghiên cứu toàn bộ đới đứt gãy, trên diện tích riêng còn con số giống nhau là 5,5 độ rich ter là sự trùng hợp ngẫu nhiên. 
Trả lời câu hỏi của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về báo cáo đánh giá tác động môi trường, ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 thừa nhận có những thiếu sót: "Đấy là hạn chế về trình độ của chúng ta. Lúc bấy giờ chưa có bất cứ một kinh nghiệm nào về động đất kích thích". Đồng thời, ông Sơn cũng khẳng định có thiếu sót trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. 
Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vân xây dựng điện 1
Còn theo PGS TS Phạm Hữu Si, Chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thì trong khu vực nghiên cứu đứt gãy Hưng Nhượng Tà Vi là đứt gãy bậc 1 gây sinh chấn cách thân đập 8km và đứt gãy Trà Bồng gây sinh chấn cũng cách thân đập 1,5km. 
Ông Phạm Hữu Si khẳng định: Thân đập Sông Tranh 2 không nằm trên đứt gãy gây sinh chấn: Đứt gãy Hưng Nhượng Tà Vi là đứt gãy bậc 1, tức là đứt gãy sinh chấn cách khu vực nghiên cứu của chúng ta là 8km. Còn đứt gãy Trà Bồng là đứt gãy bậc 2 cũng gây sinh chấn cách 1,5 km. Còn lại là các đứt gãy nhỏ hơn bậc 2 là không sinh chấn, có nghĩa là đứt trong quá khứ, nghĩa là bây giờ không có vấn đề gì nữa, không có sinh chấn chạy qua tuyến đập.
Tại cuộc họp báo sáng nay, các chuyên gia, nhà quản lý, đơn vị tư vấn đều khẳng định việc thi công thân đập thủy điện Sông Tranh có vấn đề, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng có sai sót. Đáng nói là trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đều lưu ý chủ đầu tư cần xây dựng phương án đối phó với sự cố vỡ thân đập. 
Liên quan đến cuộc sống của người dân vùng động đất, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần phải khảo sát kỹ lưỡng và đưa ra hướng xử lí cụ thể hơn về nhà ở của người dân. 
Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị: Từ kết luận của ngày hôm nay, chúng tôi có cơ sở để giải quyết một số vấn đề. Nhưng về lâu dài, đề nghị cần có nghiên cứu sâu hơn để ổn định đời sống nhân dân. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục những thiệt hại để khẳng định lòng tin trong nhân dân./.