Tháng Tư lịch sử này, cùng cả nước hân hoan các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người dân châu thổ Cửu Long lại thêm một lần tự hào về quê hương của mình ngày càng khởi sắc. Điều kiện cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong vùng 40 năm qua không ngừng được cải thiện.

p1100672_rlhm.jpgThu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL

Tháng Tư này về bất cử nơi đâu ở ĐBSCL cũng thấy cờ hoa, khẩu hiệu rợp  trời đỏ thắm. Dấu mốc kỷ niệm 40 năm đất Chín Rồng được giải phóng, phát triển như thôi thúc lòng người hồ hởi hơn, phấn khởi mỗi khi nhớ về một thời đã qua. Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, người trực tiếp tham gia chỉ huy tấn công vào giải phóng Cần Thơ luôn bồi hồi mỗi khi có ai nhắc về 40 năm về trước với khí thế quật khởi cùng quân dân miền Nam, quân dân vùng ĐBSCL lúc đó đã nhất tề nổi dậy tấn công địch ở khắp các mặt trận, quyết tâm giành thắng lợi trong trận chiến cuối cùng.

Và ngày  30/4/1975 mãi mãi là một kỷ niệm khắc sâu trong ông: “Những ngày đó có thể nói là vô cùng vui mừng khôn xiết, bởi biết bao năm chiến tranh hy sinh mất mát ngày này đã giành thắng lợi trọn vẹn giải phóng Cần Thơ, đấy là niềm vui to lớn của mỗi người lính”.

40 năm kết thúc chiến tranh để phát triển, đồng bằng sông Cửu Long hôm nay đang từng bước vươn lên khẳng định vị trí chiến lược của mình, trở thành vùng kinh tế then chốt của cả nước. Vùng hiện đảm bảo hơn 90% lượng gạo xuất khẩu gạo cho cả nước, sản lượng thủy sản và trái cây luôn chiếm chiếm 60% -70%; trở thành vùng đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.

Bộ mặt đô thị nông thôn khắp các tỉnh, thành không ngừng thay đổi. Các trung tâm tỉnh lỵ đều lên thành phố, được công nhận là đô thị loại 2. Thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là thành phố trung tâm của cả vùng. Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng, U Minh Hạ trước đây nổi tiếng là phèn mặn, nay đã được ngọt hóa hoàn toàn, đảm bảo hai vụ lúa ăn chắc.

Giao thông nông thôn với hệ thống cầu đường khép kín đã kết nối các xóm, ấp xưa kia bị cách trở bởi sông rạch trở nên liên hoàn, thông suốt. Hầu hết xe bốn bánh đều đi về đến trung tâm tất cả các xã trong vùng, xe 2 bánh đi lại được trong cả 2 mùa mưa nắng.

Du khách đến và cảm nhận nét độc đáo của Chợ nổi Cái Răng

Anh Nguyễn Văn An ở xã Đông Bình, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nhận xét: “Bà con hôm nay đã tạm ổn, điện thắp sáng, lộ giao thông nối liền các ấp. Còn làm lúa thì đều có cơ giới không phải làm thủ công như trước đây nữa”.

Một nỗ lực đáng ghi nhận nữa là đời sống của mỗi người dân trong vùng không ngừng thay đổi, với tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng hiện chỉ chiếm dưới 8%; không còn hộ đói. Cùng với mức sống, các lĩnh vực y tế giáo dục không ngừng được cải thiện. Trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế, bệnh viện ở tuyến huyện, tuyến tỉnh được hình thành đồng bộ đã đáp ứng tốt các nhau cầu cơ bản trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Là vùng đa văn hóa, với các dân tộc anh em như Kinh – Hoa – Khmer - Chăm đoàn kết sinh sống qua bao đời nên ĐBSCL hôm nay cũng hình thành và phát triển vốn văn hóa thống nhất trong đa dạng này. Cùng với Đờn ca tài tử đã được vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại thì các lễ hội của người Khmer, người Hoa, người Chăm đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các dân tộc anh em.

Có được những thành tịu nổi bật như kể trên phải kể đến sự đầu tư quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự chung sức chung lòng của người dân châu thổ trong suốt 40 năm qua. Mũi đột phá được cho là động lực để ĐBSCL phát triển suốt thời gian qua chính là hệ thống thủy lợi kênh mương và hệ thống thống giao thông kết nối. Đến nay, ở hầu khắp các tỉnh, thành trong vùng hệ thống thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt đều đã được xây dựng theo thế liên hoàn, khép kín, đủ sức điều tiết hợp lý khi cần thiết.

Các công trình giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, 80, 62; các công trình cầu mang tầm vóc thể kỷ như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu cổ Chiên, cầu Vàm Cống hay cầu Cao Lãnh đang tạo cơ hội to lớn để thúc đẩy ĐBSCLvươn lên. Không chỉ phát triển giao thông bộ, việc hình thành hệ thống sân bay ở Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc đã cho phép vùng giao thương với khắp nơi trong cả nước và quốc tế.

Về hướng phát triển của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Phải mở cho sớm và hình thành cao tốc từ Trung Lương đi Cần Thơ để quốc lộ 1A được rộng mở. Bên cạnh đó là chú trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó tập trung cho đào tạo nghề cho nông dân; bên cạnh đó là công tác chống biến đổi khí hậu, nơi nào ngập sâu thì làm đê để bảo đảm an toàn”.

Tin rằng với truyền thống kiên trung, bất khuất trong chiến tranh, trong hòa bình hôm nay, người dân đất Chín Rồng lại phát huy tinh thần năng động, sáng tạo đưa vùng đất châu thổ Cửu Long bay lên trên đường băng hội nhập để phát triển./.