Cách đây 40 năm, cùng với toàn miền Nam, quân dân vùng ĐBSCL đã đoàn kết đồng loạt tấn công chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở mọi hướng, mọi phía; góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
40 năm qua, ĐBSCL với sự hỗ trợ của Trung ương, sự chung sức chung lòng của quân dân trong vùng, 13 tỉnh, thành vùng châu thổ đã không ngừng vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đưa vùng đất Chín rồng ngày càng phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), phóng viên VOV tại ĐBSCL đã phỏng vấn ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
PV: Thưa ông, là người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có thể phân tích thêm về vai trò của quân dân ĐBSCL cho chiến thắng 30/4 cách đây 40 năm?
Ông Nguyễn Phong Quang: Có thể nói, Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi trong nửa cuối thế kỷ XX của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là kết quả của cả quá trình chiến đấu anh dũng, bền bỉ của đồng bào và chiến sĩ cả nước; trong đó, có sự đóng góp tích cực của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ĐBSCL đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, lập nên những chiến công oanh liệt. Đặc biệt, trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân ĐBSCL đã tập trung sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa tiến công với nổi dậy để giải phóng hoàn toàn các địa phương trên địa bàn.
Sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân trên nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế, lực để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch, tập trung lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công.
Quân và dân ĐBSCL đã kiên cường bám trụ, nổi dậy phá các đồn bốt và sự kìm kẹp của bọn ác ôn; liên tục chủ động tiến công quân địch, giành nhiều thắng lợi. Từ đó góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 30/04/1975.
PV:Vậy trong thời bình đổi mới hôm nay, ông có thể nói rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của ĐBSCL đối với cả nước?
Ông Nguyễn Phong Quang: Ðồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hằng năm, toàn vùng đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước, sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Như vậy, ĐBSCL chính là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước. Những tiềm năng to lớn nêu trên đã tạo điều kiện cho vùng phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, chế biến nông sản, du lịch và là vùng trọng điểm, đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.
Địa bàn Tây Nam Bộ hiện có khoảng 750 km chiều dài bờ biển, hơn 400 km biên giới trên bộ, có nhiều khu dự trữ sinh quyển ven biển, có nguồn sinh vật cảnh biển đa dạng và hấp dẫn để khai thác du lịch. Đây còn là cửa ngõ giao thương quan trọng, đưa hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với các nước, nhất là các nước Đông Nam Á.
Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, vùng ĐBSCL còn là một trong những trung tâm năng lượng lớn của Việt Nam (nhiệt điện, điện gió, khí), đáp ứng nhu cầu năng lượng cho ĐBSCL và các khu vực lân cận. Tóm lại, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ĐBSCL chính là một vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đầy tiềm năng của đất nước.
PV: Hiện nay, ĐBSCL đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức là cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế còn hạn chế, tác động của biến đổi khí hậu, vậy các vấn đề này sẽ được khắc phục ra sao?
Ông Nguyễn Phong Quang: Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phục vụ nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.
Xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao.
Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để khai thác có hiệu quả tiềm năng vốn có của vùng. Tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hình thành cơ bản hệ thống thủy lợi, đê điều, trạm bơm nước, cống đập ngăn mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chú trọng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và lớn theo hướng liên doanh, liên kết chặt chẽ, phát triển bền vững. Triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng giá trị sản xuất trên diện tích nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp lên gấp 1,2 đến 1,5 lần so với năm 2010.
Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Tập trung nguồn lực chuẩn hóa các cơ sở giáo dục, đào tạo từ mầm non đến bậc đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng nghề hiện có theo hướng nâng cao chất lượng, quy mô phù hợp với yêu cầu chất lượng vùng. Phát huy tiềm lực, tăng cường thực lực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Về chống biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các Bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học từ các viện, trường tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm đánh giá tác động của BĐKH của toàn vùng, từ đó đã chủ động đề xuất điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian và tổng thể cho từng ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phối hợp khảo sát thực tiễn, triển khai các chương trình, dự án, bố trí nguồn vốn như cụm tuyến dân cư, nhà ở cho người nghèo ở vùng thiên tai, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,... đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh.
PV: Là vùng đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, đi liên chủ yếu bằng nông nghiệp, để ĐBSCL phát triển rất cần một cơ chế chính sách riêng cho vùng, vậy cơ chế, chính sách đó là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Phong Quang: Ban Chỉ đạo, điều phối “Đề án liên kết vùng ĐBSCL trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án, phân bổ nguồn lực, tổ chức huy động các nguồn đầu tư, hình thành cơ chế tổ chức, vận hành đề án liên kết vùng một cách hiệu quả.
Theo đó, chủ trương liên kết vùng cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn là sự “khuyến khích” hay các hình thực ký kết hợp tác lỏng lẻo giữa chính quyền các tỉnh với nhau thời gian qua; cần gắn kết với quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL và tiếp tục thực hiện “Liên kết bốn nhà”.
Tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng. Trước mắt, cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối Vùng kinh tế trọng điểm để thử nghiệm cho Chương trình liên kết vùng ĐBSCL.
Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm mũi nhọn của vùng ĐBSCL là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp tham gia và vốn tín dụng ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm mũi nhọn này.
Tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác theo nhu cầu và thực chất hơn so với các hình thức ký kết hợp tác kinh tế giữa chính quyền các tỉnh, thành trong vùng với nhau và với thành phố Hồ Chí Minh thời gian quan (chủ yếu mang tính cam kết, còn nặng hình thức và theo phong trào).
Cần phát huy hơn nữa kết quả của Diễn đàn hợp tác Kinh tế ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập để tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học…, từ đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành khung pháp lý cho liên kết vùng ĐBSCL.
PV:Xin cảm ơn ông!./.