Với những người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm ăn ở xa Tổ quốc không có điều kiện về nước ăn Tết thì mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ai cũng nôn nao nhớ về quê cha, đất mẹ. Với chị Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Đài Loan (Trung Quốc), Tết Giáp Ngọ này là thêm một mùa Xuân chị đón Giao thừa xa Tổ quốc. Dẫu biết rằng, thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy tính, chị đã có thể kết nối, trò chuyện với người thân ở Hà Nội, nhưng cứ nhắc đến Tết, chị lại rưng rưng, đôi khi ngẩn ngơ chẳng làm được việc gì.

img_4931.jpg
Chị Liên Hương tại phòng khách gia đình

Nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi tới thăm nhà chị tại thành phố Đài Bắc vào một ngày giáp Tết Giáp Ngọ. Chân thành, cởi mở với nụ cười rạng rỡ, chị đón chúng tôi từ đầu ngõ phố như đón những người thân lâu ngày gặp lại, tíu tít hỏi thăm tình hình bà con trong nước chuẩn bị Tết.

Chị Liên Hương vốn quê gốc Quảng Bình. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội 20 năm trước, chị có thời gian gắn bó tại Viện nghiên cứu Trung Quốc, rồi theo học tại Bắc Kinh – Trung Quốc và học thạc sĩ 3 năm tại Đài Loan. Bố đẻ chị là TS Sử học Nguyễn Thế Tăng, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông đã mất cách đây 13 năm. Mẹ chị là TS Sử học Châu Thị Hải (nghiên cứu viên Viện Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đã về hưu. Ông ngoại chị là nghệ nhân đàn tỳ bà Châu Đình Khóa, năm nay đã 105 tuổi, lão thành cách mạng và cũng là bạn đồng hương với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chị bén duyên với anh Ngô Chí Vĩ, là người Đài Loan, lúc đó đang theo học ngành Văn hóa Việt Nam tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tại Hà Nội. Luận văn thạc sĩ của anh với đề tài về tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí minh, do Giáo sư Hà Minh Đức hướng dẫn đã được đánh giá cao. Hiện anh Vĩ đã nghỉ hưu, song vẫn không ngừng có những đề tài nghiên cứu về Việt Nam.

Bước chân vào căn gác của chị trong một khu chung cư yên ắng và sạch sẽ đến thanh khiết, chúng tôi cứ nghĩ mình đang trong một căn hộ ở một khu tập thể nào đó ở Hà Nội. Trong căn phòng khách nhỏ nhắn, anh chị treo đôi bức tranh sơn mài về phong cảnh làng quê Bắc Bộ của họa sĩ Tạ Kỳ Vinh với cây đa, mái đình, đàn gà kiếm ăn quanh ụ rơm vàng… Bên cạnh đó là những tấm hình về chùa Một Cột, Cố đô Huế, Hoàng Thành Thăng Long… được chị phóng to, treo ở những nơi trang trọng trong nhà.

Những bức tranh này, anh chị mua từ Việt Nam và nâng niu, trân trọng chúng như nhắc nhở mình nhớ về đất Việt. Chị nói, mỗi lần ăn cơm, ngắm tranh lại thấy như như đang được ở Việt Nam. Là một giảng viên dạy tiếng Việt và Văn hóa Việt cho người Đài Loan, lại gắn bó với người chồng am hiểu văn hóa Việt, chị Liên Hương đã biết dung hòa hai nền văn hóa rất nhuần nhuyễn trong một gia đình đa văn hóa.

Cháu Ngô Thừa Hạo, con trai đầu của chị Liên Hương rất tự về bà ngoại Việt Nam và thường xuyên kể cho bạn nghe về người bà là Tiến sỹ Sử học của mình

Khi nói về Tết Việt, chị Liên Hương cho biết, là con dâu Đài Loan, song chị cảm thấy mình may mắn hơn những cô dâu Việt ở xứ khác, vì Đài Loan cũng ăn Tết Nguyên đán như Việt Nam. Là một phụ nữ thành đạt, năng động, tuy quanh năm bận bịu với công việc giảng dạy, biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cho học sinh sở tại, rồi chăm sóc con cái… song chị nhớ Việt Nam, nhớ Hà Nội, nhớ mẹ, nhớ người cha quá cố nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Chị kể, hễ nhìn thấy một cành đào, một cành mai, hay nghe một giai điệu bài hát về Tết tự dưng chị lâng lâng, không làm được việc gì cả và cứ nghĩ giá như mình được về nhà. Chị Hương bảo, với người Việt xa quê, chỉ một hình ảnh về Tết, dù rất mơ hồ, cũng khiến họ bồi hồi da diết.

Anh Vĩ, chị Hương cùng hai con gái song sinh là Ngô Đình Nghi và Ngô Trinh Nghi "khám phá" món bánh chưng xanh 

Để các con nhỏ của mình hình dung về Tết quê ngoại, chị Liên Hương đã chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh cốm, nem cuốn... Chị cho các con mặc áo dài truyền thống, cùng chồng tét bánh chưng xanh để cả nhà cùng thưởng thức hương vị dẻo thơm, ngọt ngào, đậm đà Tết Việt. Tết của gia đình chị Hương không thể thiếu món bánh chưng, bởi anh Vĩ rất thích món ăn này.

Với chị, âm nhạc cũng là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ thêm yêu cái Tết quê ngoại, vì thế cậu con trai 6 tuổi Ngô Thừa Hạo của chị đã thuộc lòng giai điệu bài hát “Ngày Tết quê em”. Mỗi khi được mẹ bật bài hát này lên, tâm hồn thơ ngây của cậu đã có thể mường tượng về cái Tết đầm ấm của quê mẹ và lẩm nhẩm hát theo: “Tết Tết Tết Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người… Dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình”.

Chị giải thích cho các con về ý nghĩa của món văn trong ngày Tết Việt Nam

Với cuộc sống hiện đại ngày nay, sẽ không quá khó để kết nối những người con xa quê với người thân ở Việt Nam. Những ngày giáp Tết, qua Facebook, mẹ chị nói với con gái rằng bà mới đi sắm Tết về. Với người con xa Tổ quốc như chị, hai tiếng “sắm Tết” thật thiêng liêng, chất chứa bao kỷ niệm ấu thơ. Lúc đó, chị muốn cùng mẹ hòa mình vào dòng người ở phố xá Hà Nội đông đúc, đượcđiểm xuyết bằng những cành đào quất Nhật Tân, bưởi Diễn; được xách giỏ theo mẹ ra chợ Bưởi và trở về tay xách nách mang nào là măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, giò chả, dưa hành…

Giống như Trung Quốc đại lục, người Đài Loan đón Tết sớm hơn Việt Nam một tiếng, nên chị Hương và gia đình thường chờ đến giờ phút Giao thừa để kết nối với mẹ, nghe mẹ chúc Tết các con cháu và bọn trẻ cùng hát bài “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm” mà lòng nghẹn ngào, xốn xang.

Anh Vĩ trang trí nhà cửa đón Tết

Anh Ngô Chí Vĩ rất yêu vợ con và cũng đã có dịp đón Tết ở Hà Nội, vì thế anh hiểu cảm xúc của chị. Những ngày giáp Tết, anh Vĩ lại giúp chị trang trí nhà cửa, kể cho chị nghe kỷ niệm về những lần đón Tết ở quê vợ. Anh nói, chắc giờ này, ở Việt Nam đã ngập tràn không khí Tết rồi. Với anh, kỷ niệm từ năm 1994 được đi dọc đường Láng, với hai bên là chi chít đào, quất, hoa tươi cùng dòng người hối hả ngược xuôi, rồi đêm Giao thừa đi hái lộc còn in đậm trong tâm trí.

Chị không coi anh Vĩ là người Đài Loan, và ngược lại, anh không coi chị là người ngoại quốc. Chính cái Tết Việt đã khiến một gia đình đa văn hóa như gia đình chị Liên Hương gắn kết yêu thương, hòa hợp nhau hơn./.