Những ngày này, “Chợ Đồng Xuân” (tên dân dã của Trung tâm thương mại Đồng Xuân) ở thủ đô Berlin (Đức) tấp nập hơn bởi kiều bào ở nhiều nơi trong thành phố đang dồn về đây để sắm Tết. Những mặt hàng truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, mứt, giò chả hay nguyên liệu thực phẩm như gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, măng, miến, mộc nhĩ... tràn ngập trong các cửa hàng thường bán chạy nhất.

Chúng tôi đã gặp vợ chồng ông bà Phạm Kỳ Sơn – Phạm Thị Thanh Hà đang lựa chọn thực phẩm ở đây. Vì là ngày đi làm nên họ đã tranh thủ dậy sớm đi chợ sắm Tết. Xa quê hương lập nghiệp trên nước Đức đã ngót 30 năm, dù áp lực công việc, cuộc sống xứ người nhưng họ vẫn giữ thói quen gói bánh chưng, nhóm bếp luộc bánh và nấu những món ăn truyền thống Việt Nam vào những ngày cuối cùng của năm cũ.

img_4015%20ok.jpg
"Chợ Đồng Xuân" ở Berlin tràn ngập các mặt hàng phục vụ cho Tết nguyên đán như gạo nếp, lá dong, lạt, giò chả... (ảnh: Công Hân)

Các con của ông bà đều đã trưởng thành, tách ra ở riêng từ lâu, nhà chỉ còn lại 2 vợ chồng. Nhiều lần, các con nói với bố mẹ nên mua bánh chưng chứ đừng mất công gói nữa, ông bà cũng định thôi nhưng cứ tầm rằm tháng Chạp đổ ra lại thấy nao nao nhớ không khí Tết ở Việt Nam. Vậy là cuối cùng, họ vẫn đưa nhau đi “chợ Đồng Xuân” mua gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, lạt, mộc nhĩ, măng miến... để đến thời khắc giao thừa ở Việt Nam (ở bên Đức là 18 giờ chiều) chắc chắn có mâm cỗ cúng gia tiên với đủ đầy bánh chưng, gà luộc, canh măng, xôi giò…

Đêm 30 Tết sắp tới sẽ rơi vào thứ 6, con cháu sẽ về đông đủ nên việc chuẩn bị của vợ chồng ông Sơn sẽ tất bật nhưng vui hơn. Gia đình sẽ quây quần bên nhau và quan trọng hơn như lời ông Sơn bày tỏ: “Qua mâm cỗ này, đám cháu nội, ngoại sinh ra ở Đức, nói tiếng Đức sõi hơn tiếng Việt sẽ hiểu được nguồn cội, thấu cảm về truyền thống đón Tết nguyên đán của cha ông và bản sắc văn hóa đáng quý của Việt Nam”.

Không thuộc diện định cư lâu dài như vợ chồng ông Sơn, anh Nguyễn Văn Ngọc, quê ở Thanh Chương, Nghệ An sang Đức đã 6 năm và hiện làm việc ở một cửa hàng trong Trung tâm thương mại Đồng Xuân.

“6 năm trời tôi chưa được về quê ăn Tết. Lúc tôi đi, con lớn của tôi mới 5 tuổi, con bé 3 tuổi, giờ các cháu đã lớn. Dù hàng ngày tôi vẫn gọi điện thường xuyên cho vợ con nhưng càng đến ngày Tết nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương lại càng cồn cào hơn bao giờ hết...”, anh Ngọc kể trong nỗi xúc động nghẹn ngào.

Chẳng riêng gì anh Ngọc, nhiều người lao động ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân cũng đã nhiều năm đón Tết một mình nơi đất khách quê người. “Vì mưu sinh nên phải sang đây lập nghiệp chứ trong lòng lúc nào cũng nghĩ về quê hương, gia đình. Ngày Tết nhà nhà sum họp, một thân một mình nơi xứ người thấy buồn tủi lắm. Thôi thì anh em đồng nghiệp, đồng hương nương tựa, động viên nhau vượt qua những phút yếu lòng để thực hiện mong ước kiếm được ít vốn rồi sẽ trở về quê lập nghiệp, được gần gũi gia đình, được thấy con cái lớn khôn...”, anh Trần Anh Hùng, cũng quê ở Thanh Chương, Nghệ An bùi ngùi tâm sự với chúng tôi.

Thấu hiểu nỗi buồn của anh chị em, Trung tâm thương mại Đồng Xuân nói riêng và các hội, đoàn của cộng đồng người Việt ở thành phố Berlin nói chung thường tổ chức ăn Tết chung cho người lao động và cả cộng đồng. Những ngày Tết sắp tới cũng vậy, sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức ở đây để kiều bào vơi bớt nỗi nhớ quê hương.

Trong tâm thức người Việt, Tết là dịp đoàn viên, là lúc trở về với quê hương, nguồn cội. Dù không thể về Việt Nam đón Tết, vui Xuân nhưng những kiều bào xa quê với cặp bánh chưng xanh, mâm cỗ cúng giao thừa hướng lòng về Tổ quốc vẫn đang gìn giữ và trao truyền bản sắc Tết Việt giữa nước Đức xa xôi./.