Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, ngày 4/7, Trung Quốc duy trì khoảng 116 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 48 tàu Hải cảnh, 15 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 34 tàu cá và 5 tàu quân sự trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Các tàu Kiểm ngư của Việt Nam vẫn tiến hành các đợt tiếp cận cách giàn khoan 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Khi các tàu Việt Nam tiến vào gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc độ, áp sát các tàu Kiểm ngư Việt Nam để ngăn cản, không cho các tàu Việt Nam vào gần giàn khoan. Các tàu Việt nam chủ động vòng tránh an toàn, kiên trì bám trụ đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.

Tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh: Tuổi trẻ)

Các tàu của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở Tây Tây Nam, cách giàn khoan 40-45 hải lý. Khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu của ngư dân Việt Nam vẫn bám sát ngư trường đánh bắt hải sản, bảo đảm an toàn.

Đáng lưu ý, phóng viên VOV có mặt tại khu vực Hoàng Sa cho biết, lúc 1h sáng 4/7, từ hướng Tây, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam phát hiện một tàu tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc liên tục di chuyển và đi vào giữa đội hình của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ở khoảng cách 0,8 hải lý. Tàu này đi một vòng xung quanh các tàu của Việt Nam rồi đi về hướng Tây Nam.

11h trưa cùng ngày, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lại phát hiện một máy bay trinh sát màu trắng mang số hiệu CMS 3808 bay một vòng ngay phía trên tàu Cảnh sát biển 4033 và các tàu của Kiểm ngư với độ cao khoảng 300m. Tiếp đó, lúc 11h35’, các máy bay này lại quay trở lại bay một vòng để tiếp tục trinh sát./.