Trong môt động thái được cho là để khẳng định nỗ lực “xoay trục” sang châu Á Thái Bình Dương, hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Lầu Năm Góc đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đến Trung Quốc khi điều 6 chiến đấu cơ tàng hình F-22 tham gia vào một cuộc tập trận chung với Malaysia.

Theo Washington Times, đây là lần đầu tiên các chiến đấu cơ F-22 được sử dụng trong cuộc tập trận định kỳ Mỹ - Malaysia diễn ra 2 năm/lần, mang mật danh “Cope Taufan 2014”.

f22_rapm.jpgMột chiếc máy bay tàng hình F-22 (Ảnh: The Guardian)

Malaysia được coi là một trong những trọng tâm cần phải tăng cường và củng cố quan hệ liên minh mà Lầu Năm Góc đã vạch ra. Với việc lần đầu tiên Không quân Mỹ đưa F-22 đến Đông Nam Á tham gia tập trận, đây là một tín hiệu rõ ràng để khẳng định lại mối quan tâm của Mỹ tới khu vực này. Trước đây, F-22 chỉ mới xuất hiện ở vùng Đông Bắc Á.

Theo báo Washington Times, căn cứ vào phản ứng khá ồn ào của truyền thông nhà nước Trung Quốc, thông điệp mà chiến đấu cơ F-22 gửi đi đã được Bắc Kinh đón nhận đầy đủ. 

Những gì truyền thông Trung Quốc đăng tải cho thấy, Bắc Kinh tin rằng các hoạt động trong cuộc tập trận sẽ cho phép Không quân Mỹ đưa F-22 tới các địa điểm chiến lược gần bờ biển của Trung Quốc. Lầu Năm Góc hiện đặt căn cứ tạm thời của F-22 ở Đông Bắc Á nhưng việc triển khai ở vùng Đông Nam Á là động thái hoàn toàn mới. Trước đây F-22 chỉ cất cánh từ căn cứ tại Hawaii, Mỹ để tới Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam.

Báo chí Trung Quốc cũng lo ngại rằng các máy bay F-22 của Mỹ có mặt tại Malaysia xuất kích từ căn cứ không quân Butterworth – địa điểm chỉ cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 350km về phía Bắc sẽ tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ nếu họ tấn công Trung Quốc trong tương lai.

Giới phân tích quân sự cho rằng, khả năng nổi trội nhất của F-22 là di chuyển “siêu tốc”, điều này cho phép nó có thể thực hiện các chuyến bay siêu thanh trong khi vẫn mang theo số vũ khí lớn.

Điều này là rất cần thiết cho kế hoạch tác chiến bí mật của Lầu Năm Góc khi họ muốn tìm cách đánh bại Trung Quốc nhanh chóng nếu xảy ra xung đột. Trong trường hợp này, F-22 có thể thực hiện tấn công chớp nhoáng các mục tiêu chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc bao gồm các trung tâm chỉ huy, các cơ sở dưới lòng đất, căn cứ tên lửa, cơ sở chứa dầu dự trữ và hệ thống điện lưới.

Tuy nhiên, giới quan chức quân sự Mỹ sẽ phải đặc biệt dè chừng khi mà hệ thống phòng không của Trung Quốc đang được đầu tư để có thể bắn hạ những máy bay tiêm kích tàng hình như F-22.

Tháng trước, Nga đã tuyên bố bán hệ thống phòng không và phòng thủ S-400 cho Trung Quốc, S-400 được cho là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay./.