Thiên tai ngày càng trở nên khắc nghiệt, là hệ quả của tác động khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động rõ rệt nhất hệ quả của tình trạng này. Từ năm 1970 đến nay, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đã chịu ảnh hưởng của trên 5.000 đợt thiên tai khiến 2 triệu người thiệt mạng và 6 tỷ người bị tác động.

Chỉ trong 5 năm, một số nền kinh tế đã chịu hứng chịu những thảm họa thiên tai chưa từng có như: Động đất, sóng thần ở Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan, siêu bão ở Philippines, gần đây nhất là động đất, sóng thần ở Chi Lê...

hoi_thao_pqsk.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Thảm họa thiên tai không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh, phá hủy các nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy đòi hỏi APEC cần có các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai hữu hiệu nhất là phát huy vai trò của cộng đồng. Đây là nhận thức quan trọng giúp người dân thay đổi những thói quen, hành vi sinh hoạt, sản xuất đe dọa môi trường sống góp phần tăng cường xây dựng cộng đồng an toàn và giảm nhẹ thiên tai.

Hội thảo APEC về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một trong gần 80 sáng kiến của Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ diễn đàn APEC. Ở Việt Nam, đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng: đã được triển khai tại 6.000 xã với hơn 70% dân số tại các xã có mục tiêu được tập huấn; hơn 1.000 xã đã được khởi động và  33.000 thành viên đã được truyền thông, nâng cao nhận thức. 

Đặc biệt ứng phó với thiên tai dựa vào cộng đồng đã được nước ta hiện thực hóa qua phương châm 4 tại chỗ bao gồm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư  - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” góp phần nhanh chóng khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN -PTNT cho biết: “Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai và đối phó, giảm thiểu thiên tai. Bởi vì không ai hiểu được thiên tai xung quanh như chính người dân và cộng đồng khu vực đó. Và cũng chính họ mới xác định được giải pháp nào để đối với thiên tai xung quanh họ một cách nhanh chóng và phù hợp nhất”.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả đến từ Indonesia, Peru, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng trong quản lý rủi ro, thiên tai đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, những bài học thực tiễn và chính sách thực hiện hiệu quả công tác này như cần áp dụng kỹ thuật cảnh báo sớm cho người dân, trang bị cơ sở vật chất để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cộng đồng đặc biệt là công tác truyền thông .

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Chúng ta phải tạo dựng cho người dân những hiểu biết để tự  người dân có những hành xử phù hợp với những nguy cơ của thiên tai qua đài báo, qua tuyên truyền viên, qua hướng dẫn của chính quyền, qua tờ rơi hướng dẫn người dân làm nhà chống lụt bão. Hằng năm cơ quan dự báo khí tượng thủy văn phải để kịp thời dự báo cho bà con để bà con biết mùa này là mùa lũ để bà con có cách phòng tránh”.

Hội thảo APEC về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã gợi mở thêm các giải pháp và kinh nghiệm cho các thành viên APEC trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa trên cộng đồng. Cũng trong Hội thảo này đã đưa ra các ý kiến xác đáng hơn nữa cho diễn đàn về chủ đề quản lý rủi ro vào ngày 22-23/9/2015 được tổ chức ở Philippines.

Hội thảo APEC 2015 lần này, là một trong những hoạt động lớn của APEC mà Việt Nam tổ chức trong năm 2015, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và chuẩn bị cho việc nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 và các hoạt động APEC trong năm 2017./.