Sáng nay (23/6), tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn Kinh doanh có Trách nhiệm đối với Lương thực và Nông nghiệp lần thứ 2 do Bộ NN&PTNN Việt Nam cùng Tổ chức Global Initiatives, VCCI, và WWF phối hợp tổ chức.
Diễn đàn cao cấp này quy tụ 350 nhà lãnh đạo từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp quốc tế, các thể chế tài chính và các hiệp hội nông nghiệp nhằm tìm kiếm và hình thành một tương lai bền vững hơn cho lương thực và nông nghiệp trong khối ASEAN.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Những nước mà năng lượng, an ninh lương thực là yếu tố then chốt để bảo đảm ổn định xã hội và tăng trưởng của một quốc gia. Trong tình hình hiện nay, làm thế nào để đảm bảo an ninh lương thực đang là một thách thức lớn mang tính toàn cầu. Hiện nay, nông nghiệp của chúng ta đang bị đe dọa do đô thị hóa, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu... Và thách thức lương thực chưa được giải quyết triệt để. Đứng thách thức này, yêu cầu đặt ra phải thực hiện thay đổi, mang tính cách mạng trong cộng đồng nông nghiệp. Chúng ta phải tìm ra cách thức để nâng cao chất lượng và năng suất nông sản cải thiện sinh kế cho người nông dân, đồng thời giảm thiểu lãng phí lương thực và giảm thiểu các tác động môi trường. Chúng ta cần phát triển nông nghiệp theo cách bền vững. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hạt nhân liên kết và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững thông qua việc áp dụng sáng kiến mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là liên kết chặt chẽ với người nông dân”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, nhìn vào thực tế của Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác, chúng ta thấy chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, càng ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ. Và chúng ta chưa có nhiều mô hình tốt liên kết giữa nông nghiệp với người nông dân. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, cùng trao đổi và tìm ra giải pháp để khác phục. Đây cũng là câu hỏi đặt ra trong diễn đàn này thông quan phiên họp toàn thể và 6 nhóm làm việc.
Với chủ đề "Khu vực Đông Nam Á năm 2015: Hợp tác vì Sự Phát triển Bình đẳng", những người tham dự diễn đàn sẽ đưa ra khuyến nghị trong việc gia tăng chuỗi cung cấp các sản phẩm được sản xuất bền vững như trà, gạo, cà phê, thủy sản, bơ sữa và ngô.
Các chuyên gia trong các lĩnh vực hàng hóa này sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận về những thay đổi chuyển đổi cần thiết trong hệ thống canh tác của thế giới nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng cho những người nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ.
Ông Tony Gourlay, Giám đốc Điều hành của tổ chức Global Initiatives, nhà tổ chức sự kiện cho biết: "Diễn đàn năm nay diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước, và tại một khu vực có sức ảnh hưởng đáng kể đến an ninh lương thực thế giới. Chúng tôi đã làm việc rất cẩn trọng để chọn ra các nhà hoạch định toàn cầu có sức ảnh hưởng lớn như các diễn giả và các nhà ủng hộ của Diễn đàn tại Hà Nội nhằm tạo ra các cuộc thảo luận hiệu quả về lương thực và nông nghiệp".
Diễn đàn được mong đợi sẽ gây ra sức ảnh hưởng lớn trong khu vực Đông Nam Á và trên phạm vi toàn cầu. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra các cách thức tiếp cận sáng tạo và hợp tác giúp nâng cao năng suất nông nghiệp tại khu vực có đến 40% dân số mà sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp.
Diễn đàn Kinh doanh có Trách nhiệm đối với Lương thực và Nông nghiệp diễn ra trong 2 ngày và sẽ kết thúc vào ngày mai (24/6)./.