Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi diễn ra sáng 23/2, tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế nhận định, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm AH7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Nhận định này dựa trên kết quả giám sát và chủ động xét nghiệm hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng thời gian qua, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2,  cúm A/H1N1 và cúm B. Bên cạnh đó kết quả xét nghiệm gần 20.000 mẫu gia cầm lấy tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh thành phía Bắc đều âm tính với virus cúm A/H7N9.

tiem-phong.jpg
Tiêm  phòng bệnh sởi cho trẻ em (ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, trước tình hình số mắc cúm A/H7N9 gia tăng đột biến tại Trung Quốc và đã lan rộng đến các tỉnh biên giới giáp với nước ta, trong bối cảnh người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn cùng với việc gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp khó kiểm soát nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất cao. Virus có thể lây lan sang các đàn gia cầm trong nước và lây sang người. Có thể rất sớm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận virus trên các đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người.

Về cúm A/H5N1, từ đầu năm 2014 đến nay, phát hiện 2 trường hợp mắc và đều tử vong. Trong khi đó, cả nước hiện có 64 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm; nguy cơ dịch bệnh lây sang người bùng phát bất cứ lúc nào.

Liên quan đến dịch sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành phố, Bộ Y tế cho rằng, đây là bệnh lành tính những nếu chủ quan thì tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao. Nguyên nhân xảy ra dịch sởi, ngoài chu kỳ 3 đến 5 năm lại tái diễn còn do ở vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phái Bắc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, từ việc bùng phát dịch sởi do tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi đạt thấp, cho thấy ngành Y tế cần đặc biệt lưu ý đến tỷ lệ tiêm các vaccine khác, bởi vì hậu quả bùng phát dịch bệnh không diễn ra tức thì mà xảy ra sau vài năm và rất nặng nề. Sau những sự cố xảy ra đối với việc tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1 và viêm gan B, ngành phải có hướng dẫn quy trình tiêm chủng cụ thể, ràng buộc trách nhiệm cho cá nhân. Bên cạnh đó không chỉ kịp thời xử lý các ca phản ứng sau tiêm, cần cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí. Ngoài việc thành lập trở lại đội tiêm chủng lưu động tới tận thôn bản vùng sâu, vùng xa, ngành Y tế cần thành lập đội cấp cứu lưu động để xử lý kịp thời những trường hợp phản ứng sau tiêm.

Về phòng chống dịch cúm ở người, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương không được chủ quan. Quan trọng là giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virus cúm mới, sẵn sàng xử lý các tình huống, cấp độ cụ thể ./.