Công ty TNHH Sinh thái Ngọc Trinh được UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý cho phép đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch Ngọc Trinh tại xã Hồng Phong, với diện tích khoảng 44.340 m2. Công ty nộp hồ sơ từ tháng 12/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do có lấn, chiếm, tranh chấp của hộ dân trên diện tích hơn 22.900m2. Công ty đã khởi kiện hộ dân này tại Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình và đã được Tòa án thụ lý, chưa đưa ra xét xử.
Còn dự án trồng rừng sinh thái kết hợp kinh doanh du lịch của Công ty Cổ phần Xây lắp Cửu Long được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với diện tích 2.191.900 m2 tại xã Hồng Phong, trong đó có khoảng 300.000 m2 đất bị dân lấn, chiếm. Theo báo cáo của UBND xã Hồng Phong, địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra thực địa nhưng không gặp được các đối tượng lấn, chiếm đất dự án, rất khó khăn trong việc lập biên bản xử lý vi phạm. UBND xã cũng đề nghị đơn vị khởi kiện tại Tòa án đối với phần diện tích 300.000 m2 bị dân lấn, chiếm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai không chỉ xảy ra ở dự án với người dân mà còn xảy ra trên diện tích đất do địa phương quản lý. Theo phản ánh của người dân, tại khu vực Trâm Bầu và Láng Cát thuộc thôn Hồng Thịnh, xã Hồng Phong, hiện có các trường hợp công dân ngoài địa phương đang tranh chấp đất đai tại khu vực này. Nhưng thực tế các bên tranh chấp không có giấy tờ gì để chứng minh quyền sử dụng đất đang tranh chấp.
Lý giải vấn đề này, bà Trần Thị Hoài Xuân, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây tại khu vực này có một số cá nhân xin làm dự án nông lâm kết hợp và được UBND huyện Bắc Bình chấp thuận, sau đó họ lại không tiến hành triển khai thực hiện dự án.
"Nguyên cả khu vực này để lại làm dự án nông lâm kết hợp, sau đó bị trực trặc họ không triển khai được. Không triển khai được sau đó lại tiến hành xem xét cấp cho cá nhân. Nói chung ở giai đoạn này để xét tính pháp lý để quy ra ai là chủ đất còn mất khá nhiều thời gian", bà Xuân nói.
Còn tại xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình cũng có nhiều dự án đang kêu cứu vì tình trạng lấn chiếm đất. Điển hình như dự án khu du lịch Sài Gòn – Hòn Nghề của Công ty Cổ phần Sài Gòn- Hòn Nghề. Hiện nay đất của dự án bị 2 hộ dân lấn, chiếm, với diện tích 19.654 m2/121.250 m2 đất.
Ông Nguyễn Đức Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, huyện cũng đã nhiều lần chỉ đạo để cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất đai nhưng vẫn còn những trường hợp chưa giải quyết được.
"Hiện nay, huyện đang tập trung các vùng nổi lên liên quan đến tranh chấp đất đai, đặc biệt là khu vực Hoà Thắng, Hồng Phong. Huyện cũng đã chỉ đạo hai xã trên phải thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát. Khi phát hiện thì báo huyện, huyện sẽ chỉ đạo tập trung giải quyết cho dứt điểm. Không để trường hợp lây lan nhiều khó giải quyết", ông Phúc cho hay.
Theo kết luận số 18, ngày 24/5/2022 của Thanh tra tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn huyện Bắc Bình có 8 dự án sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đã tiến hành lập các thủ tục giao đất, cho thuê đất. Quá trình triển khai thực hiện dự án đã xảy ra tình trạng có hộ dân lấn, chiếm, tranh chấp đất đai làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với tổng diện tích lấn chiếm khoảng 2.358.726m2/7.924.616m2 diện tích đất được giao (chiếm tỷ lệ trên 29%).
Việc tranh chấp đất đai giữa các dự án và người dân nếu không xử lý dứt điểm, kịp thời, đúng pháp luật, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại các địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh./.