Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, tỉnh Lào Cai đang khẩn trương đưa ra các phương án phòng chống quyết liệt. Thiết lập các chốt kiểm dịch gia cầm tại tất cả 9 huyện, thành phố để ngăn ngừa dịch không để lây lan ra diện rộng.

chot-tren-ql-4e.jpg
Chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 1 (Ảnh: Vũ Thắng)

Tất cả các tuyến đường giáp ranh giữa các huyện, thành phố và trên quốc lộ của tỉnh Lào Cai đều có các chốt kiểm dịch. Mỗi chốt đều có đủ các thành viên như: cán bộ Thú y, Công an, Quản lý thị trường… làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gia cầm. Nếu không có giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc và tình trạng gia cầm, các chốt kiểm dịch sẽ tiến hành thu giữ, xử lý người vận chuyển và gia cầm theo quy định. Riêng đối với tất cả các loại xe ô tô từ huyện Bảo Thắng đi ra được kiểm soát chặt chẽ và đều được phun thuốc khử trùng.

Ông Nguyễn Trọng Tú, cán bộ Thú y thành phố Lào Cai, Tổ trưởng Tổ công tác tại chốt kiểm dịch phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai cho biết chốt chặn được  thành lập từ ngày 18/2 để ngăn chặn đưa động vật và sản phẩm động vật vào thành phố. Chốt duy trì 2 ca 6 người trực 24/24 giờ. Trong buổi trực đầu tiên, lực lượng kiểm tra đã thu giữ được 600 kg gà không rõ nguồn gốc xuất phát từ huyện Bảo Thắng.Ông Đào Duy Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lào Cai yêu cầu các chốt chặn kiểm dịch phải hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào huyện Bảo Thắng. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền người chăn nuôi có nhận thức để phối hợp trong công tác khai báo, tiêu hủy xử lý môi trường.

Ông Kiên cũng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới dịch cúm gia cầm xuất hiện ở địa bàn tỉnh Lào Cai là do trước Tết một số hộ chăn nuôi tự ý nhập gia cầm giống từ các tỉnh dưới xuôi đang có dịch. Sau khi gia cầm chết các hộ không khai báo và vứt xác gia cầm ra môi trường làm dịch bệnh lây lan.

Theo nhận định, dịch cúm A/H5N1 trên địa bàn Lào Cai còn diễn biến phức tạp bởi nó phát sinh ở nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác nguyên nhân phát ổ dịch là do công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi và chính quyền một số địa phương còn chủ quan lơ là.

Dân Quảng Ngãi vẫn thờ ơ trước dịch cúm gia cầm

Tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch cúm A/H5N1 đang có dấu hiệu bùng phát và lây lan ở nhiều địa phương. Trong khi chính quyền và các ngành chức năng nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh thì nhiều người dân vẫn thờ ơ trước diễn biến của bệnh.

Khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi vẫn diễn ra bình thường, cho dù tại địa phương này đã phát hiện hàng loạt ổ dịch cúm A/H5N1. Những người giết mổ gà, vịt... vẫn thản nhiên trước nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều đứa trẻ được người nhà đưa đến khu vực giết mổ mà không có một biện pháp bảo vệ. Chị Nguyễn Thị Kim Nhi, một trong những người chuyên giết mổ gia cầm tại chợ Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi cho rằng dù đã biết thông tin về dịch cúm A/H5N1 nhưng vẫn làm vì chưa nghe lệnh cấm. “Sợ thì có sợ nhưng vẫn phải làm thôi, công việc mưu sinh hàng ngày mà”, chị Nhi nói.

Trong khi, ngành y tế khuyến cáo về nguồn lây của dịch cúm gia cầm chủ yếu qua đường hô hấp và tiếp xúc gần với gia cầm bị bệnh, thì ở các chợ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh,... những địa phương có ổ dịch, hoạt động mua bán gia cầm vẫn diễn ra như chưa hề có dịch. Anh Hồ Văn Hít, đang mua vịt ở chợ Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, thản nhiên cho biết anh đã mua 4 con về ăn, chưa thấy có dấu hiệu của bệnh”.

Mặc dù lực lượng y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về dịch cúm A/H5N1. Nhưng xem ra, người dân nơi đây còn chủ quan, vô tư sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc.

Cần Thơ tiếp tục tiêu hủy đàn vịt nhiễm cúm A/H5N1

Tối 20/2, Chi cục Thú y thành phố Cần Thơ phối hợp các ngành có liên quan đã tiến hành tiêu hủy gần 850 con vịt  bị nhiễm cúm A/H5N1 tại ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền.

Đàn vịt có tổng cộng 2.100 con được ông Võ Hoàng Vũ và Võ Hoàng Giang nuôi được khoảng 1 tháng tuổi. Sau khi phát hiện đàn vịt bị dịch và chết rải rác, ngành Thú y đã lấy mẫu gửi xét nhiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

Như vậy , chỉ chưa đầy 2 tháng qua, tại thành phố Cần Thơ đã liên tục xuất hiện 7 ổ dịch cúm tại huyện Phong Điền và các quận Ô Môn, Bình Thủy với số gia cầm bệnh bị tiêu hủy gần 5.000 con. Riêng huyện Phong Điền trong vòng chưa đầy 21 ngày đã xuất hiện 2 ổ dịch tại xã Tân Thới.

Trước tình hình trên, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ vừa có quyết định công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Chi cục Thú y cũng đang đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ công bố dịch tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn và phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Ông Lưu Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Cần Thơ cho biết  dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến hết sức phức tạp tại địa bàn. Về phía ngành đang tích cực chỉ đạo các quận, huyện khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đồng thời tăng cường nhân lực, phương tiện... đủ mạnh để ứng phó dịch bệnh nguy hiểm này./.