Trước đó, hơn 200 con gà, ngan ở trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Sơn, thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch bị chết không rõ nguồn gốc. Các mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng III xét nghiệm cho thấy số gia cầm bị chết dương tính A/H5N1.
Trước tình hình này, Chi cục Thú Y tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Trạm Thú y huyện Bố Trạch và người chăn nuôi tiêu hủy gần 2.300 con gà, ngan cùng toàn bộ trứng; đồng thời phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại trang trại và khu vực lân cận... không để ổ dịch lây lan trên diện rộng.
Ông Trần Văn Sơn, ở thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chủ trang trại nuôi gà bị cúm A/H5N1 cho biết: “Phát hiện triệu chứng dịch cúm, tôi đã báo với địa phương, thú y, xã để họ tiêu hủy luôn. Cán bộ thú y cũng hướng dẫn tiêu độc khử trùng, phun thuốc để 21 ngày sau có thể tái đàn”.
Tính đến 21/2, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang điều trị 10 ca nhiễm cúm A/H1N1 và 11 ca khác nghi nhiễm. Trong số đó bệnh nhân nam 30 tuổi, ở thành phố Nha Trang đã tử vong. Riêng trường hợp một nam bệnh nhân 19 tuổi, bị tử vong nghi nhiễm cúm A/H1N1, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus này. Hiện công tác phòng chống cúm A/H1N1, tại tỉnh Khánh Hòa được triển khai quyết liệt. Ngay sau khi các ca bệnh được phát hiện, lực lượng y tế dự phòng tiến hành điều tra dịch tễ, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý môi trường.
Bác sỹ Nguyễn Đông, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, công tác điều trị của bệnh viện thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Y tế: “Trường hợp nào nghi ngờ bị mắc cúm nặng bệnh viện tiến hành hội chẩn toàn viện. Những khoa khác có phương tiện hồi sức cấp cứu tốt hơn cũng chi viện cho khoa truyền nhiễm để cứu sống bệnh nhân”.
Từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa phương của tỉnh Khánh Hòa phát hiện các ca nhiễm cúm A/H1N1. Điều đáng lo ngại là một số nhân viên y tế cơ sở chưa nắm được quy trình xử lý ban đầu các trường hợp nhiễm cúm tại cộng đồng. Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh đang gặp khó khăn đặc biệt là thói quen chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư; việc mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Tỉnh Khánh Hòa tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân biết cách phòng ngừa.
Bác sỹ Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh đã sẵn sàng với mỗi giai đoạn dịch cũng như mỗi tình huống xảy ra đồng thời thành lập các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng phó dịch./.