Không quản ngại khó khăn, lăn lộn với cơ sở, phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội ở vùng cao, công việc của những phóng viên thường trú khu vực Tây Bắc không chỉ vượt qua những trở ngại trong quá trình tác nghiệp, mà còn phải sát sao địa bàn để khai thác,“làm nóng” tin bài ở khu vực được các đồng nghiệp gọi là “vùng lõm sự kiện” nhất cả nước.

Cơ quan thường trú Đài TNVN (VOV) khu vực Tây Bắc phụ trách tuyên truyền địa bàn 5 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai. Những năm qua, các phóng viên của Cơ quan đã có mặt ở tất cả các địa bàn khó khăn, xa xôi nhất để sống cùng từng sự kiện, hòa vào hơi thở của nhịp sống vùng cao.

phong_vien_tay_bac_mjue.jpg
Phóng viên VOV Tây Bắc tác nghiệp

Nhà báo Khắc Kiên, phóng viên thường trú địa bàn tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu có 8 huyện, thành phố, 273km đường biên, là địa phương khó khăn nhất trong các tỉnh Tây Bắc. Do địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở nên điều kiện tác nghiệp của phóng viên gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, để đi được tới trung tâm huyện Mường Tè, nơi đầu nguồn sông Đà, thường mất gần 1 ngày đường và để đến được các xã xa nhất của huyện như Mù Cả, Thu Lũm thì phải mất 3 ngày đường, cả xe và cuốc bộ.

Để thường xuyên cập nhật thông tin nhanh nhất tới thính giả và bạn đọc, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn phải có kinh nghiệm của người phóng viên, cộng với những tính toán hợp lí cho mỗi chuyến công tác.

Chuyến đi Tà Tổng mới đây giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí của Khắc Kiên. Tà Tổng là địa bàn nội địa của huyện, nhưng lại khó khăn nhất huyện Mường Tè. Vào trung tâm xã đã khó, đường về các bản mới vất vả gấp bội, đoàn công tác phải đi bộ luồn rừng, lội suối. Trong 7 ngày luồn rừng, lội suối ấy, phóng viên Khắc Kiên đã đặt chân lên được 5 bản xa nhất của xã.

Sáng đi, chiều tối đến rồi bắt tay vào tổ chức họp bản, tuyên truyền, vận động bà con không nghe kẻ xấu, ở lại định cư làm ăn. Tất cả các bản đều không có sóng điện thoại, cũng không có điện nên việc tác nghiệp, đưa tin về phục vụ bạn đọc cũng gặp nhiều khó khăn.

Chiếc máy tính mang theo chỉ đủ pin được 1 ngày, vì vậy phải viết trên giấy. Khổ nhất là không có sóng điện thoại hay 3G nên suốt hành trình dọc đường, hay khi đặt chân đến bản là cánh phóng viên lại nháo nhào chạy lên các điểm cao, thậm chí trèo cây để tìm sóng rơi vãi để đọc tin qua điện thoại về. Còn biết bao kỷ niệm nữa, mỗi kỷ niệm là những trải nghiệm ý nghĩa và bổ ích với người làm báo ở vùng cao Tây Bắc. 

“Đi nhiều, chứng kiến nhiều, cũng từng nhịn đói với đồng bào nên mỗi lần về cơ sở tôi rất cảm thông với đồng bào, chia sẻ với đồng bào. Cũng do đi nhiều mà văn hóa của đồng bào, tính cách chân chất, hồn hậu của đồng bào vùng cao thấm vào con người mình. Để rồi lâu ngày không về với bà con tôi lại thấy nhớ, muốn về các bản làng. Trong quá trình tác nghiệp, ngoài nỗ lực vượt qua những khó khăn của bản thân thì bà con đồng bào các dân tộc đã giúp tôi rất nhiều” – nhà báo Khắc Kiên chia sẻ. 

Những nhà báo nam đã vất vả, trở ngại của nhà báo nữ thì vô vàn, không phải lúc nào cũng nhìn thấy và không phải ai cũng biết. Hỏi Tuyết Lan, Thanh Thủy, Thu Thùy, Hồng Việt, những phóng viên nữ kỳ cựu của Cơ quan thường trú Tây Bắc không mấy khi các chị kể.

Chỉ qua những chuyến đi tác nghiệp cùng nhau, mới thấm hiểu những hy sinh thầm lặng của các chị em. Khi tác nghiệp, trong nhiều trường hợp, nếu các chị vẫn coi mình là phụ nữ thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các chị phải xốc vác, lăn lộn như các đấng mày râu, cũng chịu cái rét thấu da thịt, đội trời mưa, vượt suối sâu.

Mùa đông ở vùng cao, có lúc phải lồng đến 3 chiếc quần để mặc, áo thì dày cứng người, vậy mà vẫn rét run cầm cập. Công tác tỉnh Lai Châu, gặp trời mưa, sạt đường, ô tô không đi được, một bên là suối lũ, một bên là vách núi dựng đứng đất đá đổ ầm ầm, các chị vừa chạy bộ, vừa trên vai vác hành lý sang bờ kia để “tăng bo” sang xe khác.

Công tác Yên Bái, để kịp phản ánh sự kiện, các chị phải đi nhờ xe tải chở đất, rồi chuyển xe ôm trên tuyến đường mà xe khách không chạy qua… Đó là chưa kể những chuyến đi dài ngày cả tuần lễ, phải tính toán kĩ càng cho công việc gia đình và con cái. Khó khăn là vậy, song trong lòng mỗi người thường tự nhủ là phải cố gắng, vì mỗi sự kiện thì Đài TNVN phải phản ánh chân thực, nhanh nhạy để đáp ứng yêu cầu thông tin tới thính giả.

Nhà báo Hà Thu Thùy tâm sự: “Nhanh nhạy, chính xác, chân thực trong việc thông tin các vấn đề, sự kiện diễn ra trong khu vực tới khán thính giả, độc giả thực sự là phương châm, mục tiêu mà mỗi chúng tôi luôn cố gắng hướng tới. Cơ quan thường trú Tây Bắc vẫn được coi là “cái tai, cái mắt” của Đài tại vùng Tây Bắc và là người bạn tâm tình, tin cậy với đồng bào các dân tộc ở đây.

Vinh dự là cán bộ, phóng viên của Đài, dù có khó khăn, vất vả đến đâu, chúng tôi cũng vẫn luôn xác định phải cố gắng, để góp phần nhỏ bé của mình, cùng các đồng chí, đồng nghiệp ở Đài tiếp tục viết thêm trang sử vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đài Tiếng nói Việt Nam”.  

Phóng viên Cơ quan thường trú Tây Bắc có 10 người, và bất kể nam hay nữ đều nổi tiếng là những người đi xe máy giỏi. Làm phát thanh đã vất vả, kiêm thêm nhiệm vụ phóng viên hình, rồi làm cả tin bài cho báo điện tử khiến áp lực công việc rất cao.

Đường đèo dốc, quanh co, thậm chí không đi được cả xe máy, vậy mà các phóng viên còn phải “ôm” theo thùng đồ nghề, cùng chiếc chân máy quay phim nặng đến cả chục kg. Trời nắng còn thuận, hôm nào không may giữa đường gặp trời mưa thì ướt như “chuột lột”. Không phải vì không có áo mưa mà là các phóng viên đã dành áo mưa để che cho máy.

Rồi để cập nhật thông tin nhanh nhất trong từng múi giờ phát thanh hay trên trang báo điện tử khi có sự kiện mưa lũ hay sự kiện đột xuất, bất ngờ xảy ra trên địa bàn Tây Bắc, các anh chị vừa tìm cách tiếp cận hiện trường nhanh nhất có thể, vừa làm tin bài, vừa tranh thủ hỏi han chỗ nào có sóng điện thoại để nhanh chóng thông tin về. Sau đó sẽ là nối cầu về cho các chương trình phát thanh và vội vàng ra trung tâm xã tìm cách chuyển tư liệu về cho báo điện tử và hệ hình…  

Điều động viên, cũng là động lực cho anh chị em phóng viên làm báo ở Tây Bắc là những khó khăn vất vả đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cơ quan thường trú Tây Bắc. Từ những chỉ đạo kịp thời, đến việc bố trí đầy đủ phương tiện tác nghiệp, phương tiện đi lại, đến cả nhỏ nhất là quan tâm từng bước chân anh chị em khi tác nghiệp vùng cao. Chỉ khi thấy các phóng viên của mình hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị thì mới yên lòng.  

Với tình yêu nghề và bản lĩnh vững vàng, các nhà báo ở Cơ quan thường trú Tây Bắc của Đài TNVN đã và đang tích cực lăn lộn với cơ sở, lao động sáng tạo hết mình để thông tin chân thực, nhanh nhạy tới thính giả và bạn đọc của Đài TNVN, tạo ra dư luận xã hội tốt, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc./.