Đồng hành cùng Đài TNVN trong suốt 70 qua không chỉ có người nghe trong nước mà còn đông đảo thính giả khắp nơi trên toàn thế giới. Ở bên kia bán cầu, nhiều thính giả Mỹ vẫn hàng ngày lặng lẽ dõi theo từng chương trình của đài như một món ăn tinh thần mà họ không thể thiếu trong hàng chục năm qua.

thinh_gia_1_oxpe.jpg
Bill Ball dò sóng đài 3.

Đã thành lệ, sau bữa tối, Bill Ball lại chậm rãi bước về căn phòng nằm khuất sâu trong góc ngôi nhà nằm biệt lập trong một ngôi làng nhỏ ở phía Tây tiểu bang Maryland. Đây vừa là phòng ngủ, vừa là phòng làm việc và cũng là nơi mang lại nguồn giải trí gần như duy nhất của người cựu phóng viên ảnh nông nghiệp.

Thư thả và nhẫn nại, Bill nhích từng chút chiếc núm vặn trên radio. Bắt sóng ngắn tại nơi mà ngay cả thiết bị tìm đường (GPS) hay sóng điện thoại di động cũng chịu thua đòi hỏi niềm đam mê và sự kiên trì không nhỏ. Vậy mà hơn 40 năm qua, chỉ trừ lúc vắng nhà, Bill chưa từng bỏ lỡ một chương trình nào của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Một trong những cột antena của  Richard Nowark.

Bill cho biết: "Tôi bắt đầu nghe đài TNVN từ những năm 1970 và rất ấn tượng với chương trình, đặc biệt là bản tin, chuyên mục bình luận và văn hoá. Ngoại trừ một vài thời gian gián đoạn, tối nào tôi cũng nghe VOV kể từ đó".

Cơ duyên với VOV một phần khởi đầu từ sở thích nghe đài, một phần xuất phát từ những trải nghiệm của Bill tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Sang Việt Nam vào cuối những năm 1960 trong vai trò phóng viên ảnh, suốt 13 tháng ròng, Bill rong ruổi khắp miền Đông Nam bộ, rồi đồng bằng sông Cửu Long, tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh cũng như số phận nghiệt ngã của những người dân vô tội. Dù chưa có cơ hội trở lại Việt Nam kể từ đó, nhưng qua làn sóng VOV, Bill có thể mường tượng ra một đất nước Việt Nam đổi thay rất lớn so với những ký ức thời chiến còn lại trong ông.

Bill tâm sự: "Thời chiến tranh, tôi rất lo ngại cho người Việt Nam và chỉ mong rằng họ sẽ mau chóng thoát khỏi tình trạng chiến tranh loạn lạc. Qua Đài TNVN, tôi thấy Việt Nam đã thực sự phát triển rất nhiều so với hồi tôi ở đó nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó là điều rất thú vị”.

Với Bill, chỉ radio mới có thể mang lại những tin tức cập nhật, chuyên sâu, trực tiếp từ những người bản địa trên khắp thế giới. Bill thích nhất những chương trình về văn hoá của VOV, nơi ông có thể khám phá những nét đặc sắc của đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, Bill nói, ông chỉ thấy hơi tiếc là cho đến nay VOV vẫn chưa tăng thêm thời lượng phát sóng. Theo ông, chương trình tiếng Anh 30 phút hàng ngày có lẽ vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu thông tin của thính giả.

"Tôi mong thời lượng của đài sẽ tăng lên 60 phút thay vì 30 phút như hiện nay. Chương trình của VOV chứa đựng rất nhiều thông tin và tôi thực sự muốn được nghe nhiều hơn nữa".

Nằm cách nơi Bill Ball ở chừng 4 giờ bay về phía cực Nam nước Mỹ, ngôi nhà một tầng của Richard Nowak không quá khó tìm bởi chỉ cần định hướng từ xa theo chiếc cột antena cao cả chục mét vươn vượt rặng cổ thụ ven đường. Chỉ nguyên dàn antena "khủng" gồm 3 chiếc dành riêng để nghe đài đã chứng tỏ chủ nhân của chúng mê radio đến mức nào. Nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Bên trong căn nhà mới thực sự là một kho báu mà bất kỳ nhà sưu tập nào cũng phải thèm muốn. Hơn 30 chiếc radio chuyên dụng cổ, có chiếc từ thời Thế chiến thứ 2, nằm rải rác khắp mọi ngóc ngách, từ phòng khách, phòng ăn đến phòng ngủ. Có những chiếc Richard phải dậy từ 2 giờ sáng để lùng mua bằng được.

Richar đang nghe đài.

Được truyền cảm hứng từ mẹ, một phụ nữ "nghiện" radio, Richard bắt đầu nghe đài vào những năm 1980, khi còn là một sinh viên đại học tại Florida.

"Trong một lần mò mẫm dò sóng, tôi bất chợt bắt được Đài Tiếng nói Việt Nam, hình như vào năm 1987. Chỉ vừa làm quen với radio sóng gắn nên tôi vô cùng sửng sốt và thốt lên 'Ôi trời, từ tận Việt Nam cơ à!". Những năm 80, nằm trên gường ký túc xá, nghe một đài phát thanh từ nơi xa xôi. Đó là một cảm giác cực kỳ phấn khích". 

Từ đó, Richard bắt đầu duy trì thói quen nghe VOV hàng tuần. Với ông, VOV là một nguồn tin phong phú và đa dạng, không chỉ về Việt Nam mà còn cả các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Cambodia..., là nơi mà ông có thể chia sẻ với người làm phát thanh và các thính giả trên khắp thế giới, được du ngoạn tới những vùng đất, những con người mới lạ và đầy thú vị.

"Gần đây, tôi nghe một chương trình về những dòng sông tại Việt Nam. Vẻ đẹp và sự thơ mộng  của những con sông đó khiến tôi lập tức muốn mua vé máy bay sang Việt Nam".

Bất chấp sự xuất hiện của nhiều loại hình truyền thông mới, radio vẫn luôn là sự lựa chọn số 1 đối với Richard. Đây là phương tiện mà ông có thể nghe mọi lúc mọi nơi, vừa nghe vừa làm việc, không bị bó buộc một chỗ như xem truyền hình hay phân tâm như khi đọc báo mạng. Nhưng quan trọng nhất là radio luôn có mặt khi cần: "Năm 2007, một cơn bão lớn đổ bộ vào Florida và kéo dài hơn dự báo. Bão thì hoành hành bên ngoài còn chúng tôi bị kẹt trong nhà hơn 30 tiếng đồng hồ, không điện, không nước, không sóng điện thoại, không tín hiệu truyền hình, không internet. Chỉ có radio hoạt động. Bão đang ở đâu, tàn phá như thế nào, lúc nào thì tan...phát thanh là nơi duy nhất chúng tôi tìm được những thông tin này".

Richard và chiếc radio sản xuất1941.

Hơn 30 năm qua, Richard có không ít kỷ niệm với Đài TNVN, từ những câu hỏi được biên tập viên trả lời thấu đáo cho đến những tờ chứng nhận nghe đài đã ngả màu theo thời gian. Nhưng trải nghiệm gây ấn tượng mạnh nhất với ông chính là chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

"Lúc đó, tôi đang nghe VOV bất ngờ biết tin ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Tổng thống Obama tại Nhà Trắng. Tôi chưa bao giờ nghĩ trong đời mình sẽ có cơ hội nghe được khoảnh khắc đó. Nhưng đó lại là sự thực, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm bình thường hoá quan hệ. Đó là thời khắc lịch sử."

Nghe nhiều, biết nhiều về Việt Nam nhưng cho tới nay, Richard vẫn chưa có cơ hội đặt chân tới  đây như mong ước. Công việc của một nhà quản lý khu vực đã lấy đi của ông phần lớn thời gian rảnh rỗi. Richard nói ông nhất định sẽ tham dự cuộc thi "Bạn biết gì về Việt Nam?" lần tới với hy vọng một giải thưởng của cuộc thi, dù là nhỏ nhất, sẽ tạo thêm động lực để ông thực hiện ước nguyện./.