Trong những năm tháng làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã may mắn được giao thực hiện hàng trăm cuộc tường thuật trực tiếp các sự kiện thời sự, chính trị, văn hóa xã hội, thể dục thể thao... Không chỉ ở Hà Nội, những năm cuối Thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật phát thanh và kỹ thuật bưu chính viễn thông, các cuộc tường thuật trực tiếp của Đài TNVN còn được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước. 

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa biên tập và kỹ thuật, nhìn chung các cuộc tường thuật trực tiếp đều được thực hiện trôi chảy, đúng ý đồ chỉ đạo của lãnh đạo Đài TNVN, tạo được tiếng vang và uy tín đối với nhân dân cả nước.

Nhà báo Đình Khải

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc này, không phải không có những trục trặc, những tình huống bất ngờ ngoài dự kiến mà nếu không nhanh trí xử lý thì rất có thể dẫn tới những sai sót khó lường. Xin kể lại vài trường hợp như vậy.

Giờ giải lao kéo dài

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi tường thuật trực tiếp các sự kiện thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thể thao... những người thực hiện đều phải tiến hành các công việc chuẩn bị khá chu đáo từ những ngày trước khi sự kiện diễn ra. Công việc chuẩn bị không chỉ bao gồm những vấn đề về nội dung, về kỹ thuật, mà nhiều khi còn phải dự kiến trước những tình huống có thể xảy ra, để khi tiến hành tường thuật không bị bất ngờ, dẫn tới thiếu chủ động và có thể vì thế mà hỏng việc. Ấy vậy mà, có những tình huống mà những người làm tường thuật cũng không thể lường trước hết được.

Lần ấy, là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 9, diễn ra ở Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Tôi và chị Nguyễn Thị Kim Cúc được giao tường thuật trực tiếp phiên họp này. Mọi việc diễn ra suôn sẻ kể từ lúc khai mạc kỳ họp cho đến giờ giải lao. Sau khi mời bạn nghe đài tạm nghỉ và cho chạy một chương trình ca nhạc đã chuẩn bị trước, tôi và chị Kim Cúc rời phòng tường thuật ở phía cuối Hội trường.

Vừa rời chiếc cầu thang sắt bước xuống hành lang Hội trường, chúng tôi gặp ông Sô-lây Tăng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ông Sô-lây Tăng là người tính tình vui vẻ, sôi nổi, cới mở và dễ gần. Trong những năm làm báo tôi đã nhiều lần được làm việc với ông, cả ở Hà Nội và ở Kon Tum. Có lẽ vì thế mà mối quan hệ giữa tôi và ông đã trở nên khá thân tình.

Gặp nhau ở hành lang Hội trường, ông Sô-lây Tăng mời tôi và chị Kim Cúc đi xuống nhà kính phía sau Hội trường, là nơi vẫn dùng làm căng-tin phục vụ các đại biểu trong các kỳ họp. Ông bảo: “Các anh, các chị vất vả quá. Xin mời anh Đình Khải và chị Kim Cúc đi làm vại bia cho thoải mái”. Chúng tôi nhận lời. Nhưng, đi được một đoạn, tôi chợt nghĩ tới công việc, nên từ chối.

Tôi trở lại phòng phát thanh trực tiếp. Đúng lúc ấy anh Nguyễn Văn Tư, công nhân kỹ thuật chạy vào nói với tôi: “Anh Khải, sắp hết băng ca nhạc rồi, phát cái gì tiếp theo đây?”. Nhìn qua cửa kính xuống Hội trường, tôi thấy các đại biểu Quốc hội đang tụ tập rất đông trên khán đài. Thì ra, đây là kỳ họp cuối cùng của một khóa Quốc hội. Sau kỳ họp này sẽ có những đại biểu không tiếp tục tham gia Quốc hội nữa. Có lẽ vì vậy mà các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tranh thủ giờ nghỉ giải lao để ghi lại những hình ảnh kỷ niệm của Đoàn mình với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Tôi ngồi vào bàn làm việc và lần dở tập tư liệu mang theo. Quả là sự cẩn thận của tôi không thừa. Trong tập tư liệu chuẩn bị trước ấy, tôi đã tập hợp khá đầy đủ những thông tin về kinh tế xã hội của đất nước trong bốn năm của nhiệm kỳ Quốc hội vưà qua. Tôi trao đổi nhanh và thống nhất phương án làm việc với anh Tư là tôi sẽ lần lượt tổng hợp những tư liệu chuẩn bị sẵn ấy, xen kẽ với những bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi đất nước...

Hôm ấy, giờ giải lao của kỳ họp Quốc hội kéo dài tới 45 phút, tức là gấp ba lần thời gian của một băng ca nhạc mà kỹ thuật chuẩn bị trước cho giờ giải lao. Thật may là tôi đã chuẩn bị tư liệu đầy đủ, nên kịp thời xử lý tốt tình huống bất ngờ này. Và, cũng thật may là tôi đã không ham vui nhận lời ông Sô-lây Tăng đi uống bia, bởi nếu không, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra trên sóng cuả Đài TNVN trong khoảng thời gian giờ giải lao kéo dài ấy.

Sau tình huống mà tôi vừa kể, tôi đã rút ra một bài học sâu sắc, rằng: Khi làm tường thuật trực tiếp, bình luận viên luôn luôn phải bám sát hiện trường và chỉ được phép rời vị trí của mình sau khi kết thúc buổi tường thuật mà thôi!

Phiên họp khai mạc chậm

Ở trên, tôi đã kể về chuyện giờ giải lao của một phiên họp Quốc hội vì một lý do đặc biệt mà phải kéo dài. Bây giờ, xin kể lại một tình huống khác, cũng diễn ra tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.

Ấy là phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa X.

Hôm ấy, Đài TNVN cũng tiến hành tường thuật trực tiếp phiên họp này. Anh Vũ Duy và chị Thu Hà là hai bình luận viên tường thuật trực tiếp. Tôi là người chỉ đạo buổi tường thuật.

Theo chương trình, phiên họp sẽ chính thức bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng. Trước đó 15 phút, chúng tôi đã bắt đầu lên sóng buổi tường thuật trực tiếp. Chỉ còn 5 phút nữa là đến giờ khai mạc kỳ họp. Tôi bỗng thấy anh Trần Sông Thao, phóng viên của Ban Thời sự chuyên tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, hớt hải chạy lên phòng phát thanh trực tiếp ở cuối Hội trường, vội vã nói với tôi:

          - Chết rồi, anh Khải ơi.

          - Làm sao mà chết?

          - Phiên họp lùi lại nửa tiếng nữa mới khai mạc.

Tôi nhìn qua cửa kính xuống Hội trường. Quả là các đại biểu chưa vào vị trí của mình, các hàng ghế mới chỉ có vài người ngồi. Nhìn đồng hồ, còn 3 phút nữa là tới 8 giờ. Tức là kịch bản của chúng tôi chuẩn bị trước chỉ còn 3 phút nữa. Lấy cái gì để “trám” vào cho đủ 30 phút nữa đây? Thoáng trong đầu tôi một kế hoạch “chữa cháy” được vạch ra rất nhanh. Tôi nhắc anh em kỹ thuật lắp các bài hát dự trữ vào máy, đồng thời dặn Vũ Duy và Thu Hà sẽ đọc những tư liệu đã chuẩn bị dự phòng... Và rồi tôi phóng ra khỏi khu tường thuật...

Tôi len lỏi trong khu hành lang rộng của Hội trường Ba Đình, nơi mà rất đông các đại biểu Quốc hội và các nhà báo đang tụ tập, vừa uống nước vừa trao đổi công việc. Và, rất may là tôi đã nhìn thấy ông Vũ Mão, lúc ấy là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Cũng phải nói thêm là trong nhiều năm theo dõi và phản ánh hoạt động của Quốc hội, đã có rất nhiều lần tôi tiếp xúc và làm việc với ông Vũ Mão, và vì thế, cả hai chúng tôi đều quá hiểu rõ về công việc của nhau. Tôi len lỏi qua đám đông và đến trước mặt ông Vũ Mão, chủ động đề nghị:

          - Ôi, may quá. Anh Vũ Mão giúp tôi một việc đi.

          - Việc gì vậy, anh Đình Khải?

Tôi trình bày vắn tắt đề nghị của mình là mời ông lên phòng tường thuật trực tiếp để cùng tôi trao đổi về một vài vấn đề liên quan tới hoạt động của Quốc hội. Lúc đầu, ông Vũ Mão chẳng mặn mà gì, thậm chí còn từ chối một cách quyết liệt. Nhưng, tôi cũng quyết liệt không kém, vừa ra sức thuyết phục, vừa ỷ vào sự thân quen mà cầm tay kéo ông Vũ Mão đi với mình về phía phòng tường thuật. Và, tôi đã thành công.

Vào phòng tường thuật, tôi nêu yêu cầu với ông Vũ Mão một cách cụ thể hơn. Rồi, tôi và ông đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp xoay quanh những vấn đề đã và đang đặt ra đối với Quốc hội nước ta. Nào là những thành tích nổi bật của tình hình phát triển kinh tế xã hội qua một nhiệm kỳ Quốc hội, những việc đã làm được cũng như những gì cần rút kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội, của các Đoàn đại biểu Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội. Và nữa, công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XI đang được triển khai như thế nào... Đại để là tôi cứ nêu câu hỏi để ông Vũ Mão trả lời. 

Khi phát hiện trong những câu trả lời của ông thấy có những chi tiết cần khai thác sâu hơn thì tôi lại gợi mở để ông đi sâu thêm nữa. Cứ như thế, tôi và ông Vũ Mão “hỏi và đáp” với nhau hơn 20 phút. Nghĩa là, khi nhìn qua cửa kính xuống Hội trường thấy các đại biểu đã ổn định chỗ ngồi, và nhìn đồng hồ thấy đã gần 8h30, tôi mới kết thúc cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Vũ Mão. Tôi cảm ơn ông và ra hiệu cho bên phòng kỹ thuật chạy một băng nhạc cắt để chuẩn bị cho Vũ Duy và Thu Hà bắt đầu tường thuật trực tiếp phiên họp Quốc hội.

Ngày hôm sau, khi gặp nhau ở phòng làm việc của các nhân viên Văn phòng Quốc hội ở trong khuôn viên của Hội trường Ba Đình, ông Vũ Mão nói với mọi người ở đấy, rằng: “Hôm qua, khi phỏng vấn mình, hễ mình hở ra cái gì là ông Đình Khải này tóm lấy luôn và hỏi tiếp. Kể cũng hay, bởi thông qua đó, mình có dịp báo cáo với cử tri cả nước về những vấn đề mà Quốc hội ta đã và đang làm và cử tri cả nước cũng rất quan tâm...” Tôi hiểu những lời nhận xét ấy của ông Vũ Mão.

Nhưng điều mà tôi mừng và rút ra được bài học quý cho mình, là cho dù trong hoàn cảnh như thế nào, nếu biết năng động xoay sở, biết dựa vào “thế mạnh” của người làm báo, thì vẫn có thể “xoay chuyển” được tình thế, cho dù là khó khăn đến đâu.

Và tôi cũng càng thấy rõ hơn việc cần phải xây dựng cho được một “uy lực” của người làm báo, tạo nên một sự tin cậy đối với người đối thoại, thì người làm báo mới thành công trong công việc của mình. Các bạn có đồng ý như thế không?./.