Tại một số chợ như chợ Hôm-Đức Viên, chợ Mơ, chợ 8-3 (Hai Bà Trưng), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy)... giá thịt lợn hầu như không thay đổi, với mức giá từ 80 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, số lượng khách hàng mua thịt lợn lại giảm hẳn sau thông tin hơn 5 nghìn con lợn bị tiêm thuốc an thần khi đưa vào giết mổ tại TP HCM.

tiem_thuoc_nnro.jpg

Cảnh tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tối 28-9 - Ảnh: C49 cung cấp.

Chị Nguyễn Thị Quy, chủ cửa hàng bán thịt lợn tại chợ Mơ cho biết: “Mấy ngày nay khách hàng mua thịt lợn cũng giảm đi. Mỗi lần có thông tin kiểu thế này là người ta đều sợ rồi ăn ít đi, làm bán hàng ế ẩm quá bọn tôi lỗ vốn. Tôi chỉ buôn bán nhỏ thôi. Mua vẫn giá đó mà bán lại rẻ đi. Không có người mua là phải bán xuống thôi. Ngày chỉ mổ 1-2 con, nhiều là 3 con. Sáng sớm đi chợ, chiều vào dân mua lợn. Không có chuyện tiêm thuốc an thần gì ở ngoài này đâu”.

Chị Trần Hồng Nhung ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rất hoang mang khi nghe thông tin lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ.

Để thay thế các món được chế biến từ thịt lợn trong các bữa ăn, chị Nhung đành chuyển sang các thực phẩm khác, nhằm giảm bớt nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm có thể ảnh hưởng sức khỏe cho các thành viên gia đình mình: “Tôi có nghe qua thông tin vụ hơn 5 nghìn con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ cũng đang hoang mang lắm. Bây giờ nhà tôi phải giảm bớt ăn thịt lợn và chuyển qua ăn các món khác nhiều hơn như cá, tôm, đậu... Tôi chả biết được tình trạng đó có xảy ra ở Hà Nội hay không, nhưng cũng phải đề phòng”.

Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, thịt lợn có tồn dư thuốc an thần có thể gây rối loạn hoạt động, ức chế thần kinh, hạ huyết áp, bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ra trầm cảm, không minh mẫn, thiểu năng trí tuệ... Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, và những người có bệnh tim mạch, gan, thận. Thế nhưng, sự việc tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ để không bị giảm tỷ lệ thịt khi vận chuyển không phải lần đầu.

Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết không thể dùng bất cứ phương pháp cảm quan nào để có thể phát hiện ra thịt lợn còn tồn dư thuốc an thần. Vì vậy, việc quan trọng nhất hiện nay là cần ngăn chặn nguy cơ từ trước khi xảy ra.

Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: "Nhà nước quy định rất rõ ràng về xử phạt các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo tôi, cứ theo luật mà làm. Luật An toàn thực phẩm đã quy định mức phạt có thể là gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Với hơn 5 nghìn con lợn mà nhân lên thì giá trị mức phạt sẽ rất lớn. Nếu cần thiết nữa cũng phải truy tố hình sự. Quan trọng nhất hiện nay cần thực hiện xử phạt công khai cho người dân cùng biết Nhà nước và các cơ quan chức năng xử lý các vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như thế nào".

Nhiều chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, việc tiêm thuốc an thần cho hàng nghìn con lợn là hành vi cố ý, coi thường sức khỏe, tính mạng người khác, rất nguy hiểm, cần phải xử lý hình sự./.