Làng nghề nước mắm Nam Ô, TP. Đà Nẵng hình thành từ đầu thế kỷ XX và khá nổi tiếng. Nhưng giờ đây, nghề làm nước mắm có nguy cơ bị xóa sổ. Cả trăm người người dân đành bỏ làng đến nơi ở mới, nhường đất cho Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Nhiều gia đình có mấy thế hệ gắn bó với nghề làm nước mắm giờ không giữ được nghề, cuộc sống khó khăn.
Sau khi phải di dời đến nơi ở mới, bà Hội phải làm nước mắm tại một nơi chật hẹp.
"Xưa nhà tôi làm nước mắm, nhà cửa rộng rãi và ngay cửa biển Nam Ô, khiêng cá lên cũng tiện. Giờ qua bên giải tỏa này, tôi làm không được như bên Nam Ô. Trong khu dân cư mới, không ai cho làm nước mắm, vì ô nhiễm môi trường. Hơn nữa chúng tôi cũng không có chỗ để làm", bà Hội lo lắng.
Nam Ô là một làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê dưới chân đèo Hải Vân, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Làng nghề nước mắm Nam Ô nức tiếng thơm ngon khắp trong Nam ngoài Bắc.
Muối Sa Huỳnh để làm mắm Nam Ô. |
Nước mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than có độ đạm rất cao và muối Sa Huỳnh. Cách chế biến đặc biệt này tạo ra mùi thơm phức, làm nên thương hiệu nước mắm Nam Ô.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô kể, trước giải phóng, ở đây ít người làm nước mắm. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều hộ chuyển sang làm pháo. Đến năm 1995, khi nghề pháo bị cấm, bà con quay lại làm nghề nước mắm. Những năm gần đây, Sở Công thương và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến công TP. Đà Nẵng hỗ trợ nhãn hiệu, máy chiết rót, máy đóng, chum vại, giúp thu mua nhiên liệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm... số người làm nước mắm ngày càng tăng.
Từ 50 hộ lúc đầu, đến năm 2011 tăng lên 80 hộ và năm 2015, số hội viên làng nghề nước mắm lên hơn 110 hộ. Khó khăn hiện nay là đầu ra nước mắm Nam Ô bấp bênh, thiếu ổn định, việc sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp.
Từ năm 2016 đến nay, khi Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô triển khai, số hội viên làng nghề giảm hơn một nửa, hiện chỉ còn 55 hộ.
Theo ông Vinh, dự án đã đẩy gần 100 hộ dân nơi đây bỏ nghề làm nước mắm: "Nguyện vọng người dân là muốn dự án tạo điều kiện cho người dân thuận lợi làm ăn, phát triển. Tôi muốn kêu gọi những nhà đầu tư cho chúng tôi một mặt bằng để thành lập một hội làng nghề nước mắm tập trung, dễ quản lý sản lượng và chất lượng. Vì làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô nằm trên mặt bằng của Nam Ô, nếu đi các vùng khác chúng tôi không nhất trí".
Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết đã chỉ đạo phường Hòa Hiệp Nam kiểm tra, rà soát lại danh sách những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô. Đồng thời đề xuất thành phố có phương án bố trí nơi sản xuất tập trung cho làng nghề, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường mà vẫn duy trì, phát triển được làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô.
"Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo cho phường Hòa Hiệp Nam rà soát, lấy ý kiến của các hộ sống trong khu vực Nam Ô cùng với các hộ di dời. Trên cơ sở đó, báo cáo với thành phố để chọn một địa điểm đảm bảo tránh ô nhiễm", ông Hưng cho hay.
Trong buổi làm việc mới đây với Công ty cổ phần Trung Thủy - Đà Nẵng-chủ đầu tư Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị chủ đầu tư xem xét, điều chỉnh quy hoạch; Hỗ trợ vùng dự án phục dựng lại nghề làm nước mắm Nam Ô và xây dựng các đầu mối phân phối sản phẩm đầu ra cho người dân.
"Cần nghiên cứu phục hồi nghề làm nước mắm, mở rộng làng nước mắm Nam Ô thành 1 khu vực để trình diễn, còn sản xuất sẽ có 1 khu khác. Đường ranh giới giữa khu du lịch và khu dân cư hiện trạng phải được mở rộng", ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo.
Người dân nơi đây mong muốn, nước mắm sản xuất tại Nam Ô tiếp tục giữ vững thương hiệu nổi tiếng từ bao đời nay. Làng nghề nước mắm Nam Ô được hoạt động không chỉ mang đến trong bữa ăn của mọi nhà loại nước chấm đặc biệt thơm ngon mà còn duy trì nét đẹp văn hóa của một làng nghề ven biển miền Trung./.
Muối cá cơm làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết
Ninh Thuận: Người làm nước mắm truyền thống vui mừng