Sau gần 10 năm chia tách, dẫu đã dành nhiều nguồn lực để xóa phòng học tạm, tranh tre nứa lá, song ở các xã, bản vùng cao tỉnh Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Còn nhiều học sinh vẫn phải học trong lớp học dột nát. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm mà chưa biết bao giờ mới khắc phục được.
Năm học này, thầy và trò Trường THCS Khoen On vẫn phải học trong lớp học tạm |
Hàng năm trước mùa tựu trường, thầy và trò trường Trung học cơ sở Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lại mang tre nứa đến tự tay sửa sang các phòng để có chỗ học. Gọi là phòng học nhưng thực chất chỉ là một dãy nhà lợp prôximăng được cắm cột gỗ sơ sài.
Em Lò Văn Cường, học sinh lớp 8, trường trung học cơ sở Khoen On cho biết, những khi trời mưa nền đất ngấm nước thành một bãi sình lầy, tất cả các bạn trong lớp không thể chú tâm học bài. Ước mong lớn nhất của các em bây giờ là có được trường học khang trang để vui chơi, học tập.
Nhà ở công vụ của giáo viên trường THCS Khoen On |
Cô giáo Khoàng Thị Nhoai, Phó hiệu trưởng trường mầm non số 2 Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn cho biết, điều kiện học tập của các em ở đây rất thiếu thốn, lớp học ở trung tâm thì đỡ vất vả, còn các điểm bản thì đã rách nát. Không có trường lớp đồng nghĩa với việc thiếu thốn các trang thiết bị phục vụ học tập. Khi đến lớp các em phải ngồi trên tấm bạt được trải trên nền nhà đất ẩm ướt. Điểm chung của các phòng tạm là vào mùa mưa nước tạt, dột khắp nơi nên phải cho các em nghỉ.
Nhà làm việc của Ban Giám hiệu trường mầm non số 2 Nậm Hàng |
Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 270 phòng học phải nhờ mượn; gần 1.300 phòng học tạm và toàn tỉnh vẫn còn thiếu 865 phòng học. Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, để khắc phục tình trạng này, các phòng giáo dục đã cho các em học nhờ, học ké những lớp, điểm trường học 1 buổi. Điều đáng nói, những năm qua, trong quá trình di dời dân tái định cư thủy điện Huội Quảng- Bản Chát trên địa bàn huyện Than Uyên, có nhiều trường học chưa được xây dựng, nên các em vẫn phải học nhờ dưới gầm sàn nhà dân.
Lãnh đạo UBND huyện Nậm Nhùn kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại trường mầm non số 2 Nậm Hàng |
Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: “Chúng tôi kiến nghị, bằng các nguồn vốn để trước mắt khắc phục được tình trạng thiếu về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học. Chúng tôi cũng đề nghị với Bộ Giáo dục Đào tạo cấp nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục hàng năm cho các tỉnh khó khăn như Lai Châu nhiều hơn. Bởi nếu ít thì không đủ so với mức đầu tư cao, cơ sở vật chất hiện còn quá thiếu như ở đây”.
Muốn đảm bảo chất lượng giáo dục phải có điều kiện dạy và học tối thiểu. Vì vậy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng tỉnh Lai Châu cần tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục để đẩy mạnh xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu cho giáo viên, học sinh nơi đây./.