Trên 960 trường học các cấp tại tỉnh Đắk Lắk đã bước vào năm học mới được hơn 1 tuần. Cùng với sự nỗ lực của các huyện, thị xã, thành phố trong việc đầu tư cho giáo dục nhiều năm qua, năm học này được coi là năm học ổn định nhất về cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện tốt để học sinh bước vào năm học mới khi Đắk Lắk đã đầu tư 120 tỷ đồng cho các trường.
Trường THPT Trần Hưng Đạo, ở xã Chư D’răm, huyện vùng sâu, vùng xa Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã bước sang tuần học thứ hai của năm học mới. Nhìn qua, đã thấy được sự khác biệt ở các dãy phòng học, màu sơn mới ánh lên cùng niềm vui bước vào năm học mới của các em. Khuôn viên trường giờ đã có tường rào bao quanh. Khu sân chơi được láng nền bê tông sạch sẽ.
Ông Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã được đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để tu sửa cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới này. Trường nằm trong vùng 3 nên điều kiện tương đối khó khăn. Với sự cố gắng của nhà trường, cùng các cấp chính quyền địa phương, hiện đã cải thiện một số vấn đề về cơ sở vật chất như là sơn sửa các dãy phòng học, xây dựng khu nhà vệ sinh tách rời phòng học để không bị ảnh hưởng về môi trường, sửa chữa toàn bộ hệ thống bàn ghế tại các phòng học phục vụ cho năm học mới. Cơ bản đảm bảo được các điều kiện học tập cho học sinh.
Cùng với bậc học phổ thông, các bậc học khác ở huyện Krông Bông cũng được đầu tư để khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất. Chỉ riêng trong dịp hè vừa qua, huyện Krông Bông đã xây dựng mới 12 phòng học tại các điểm trường tiểu học vùng sâu, vùng xa. Toàn huyện hiện chỉ còn 2 phòng học tạm tại điểm trường tiểu học thôn Yang Hanh, xã Chư D’răm.
Ông Trần Quốc, Trưởng Phòng giáo dục huyện Krông Bông cho biết, năm học này, cũng đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại vùng dân di cư tự do ở Krông Bông, xây dựng được 4 phòng học tại xã Hòa Phong, đặc biệt là năm học này Phòng Giáo dục với đơn vị trường kiểm tra thực tế, đưa số học sinh khối THCS về lại đơn vị Nọ Prông, cho nên khoảng 100 học sinh không phải qua sông, đò vượt 10km đi học như trước.
Không chỉ bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Đắk Lắk cũng tích cực vận động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục. 10 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa cũng đã đầu tư thêm cho cơ sở vật chất, phục vụ năm học.
Tại huyện M’D’rắc, từ nguồn quỹ tiết kiệm do Đảng bộ huyện M’Drắc phát động, 2 phòng học kiên cố có diện tích trên 116m2 được xây mới và đưa vào sử dụng, phục vụ cho việc học tập của hơn 60 học sinh điểm trường thôn Khe Sanh, thuộc trường tiểu học La Văn Cầu, xã vùng sâu vùng xa Chư San.
Ông Tạ Hồng Diện, Phó trưởng phòng giáo dục huyện M’Drắc cho biết, cách làm có ý nghĩa này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh vùng đặc biệt khó khăn ở xã Chư San, huyện M’Drắc.
Theo Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk, chuẩn bị cho năm học mới này, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó 71 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa phòng học; 50 tỷ đồng dành cho mua sắm trang thiết bị dạy học. Với sự đầu tư này, cơ sở vật chất tại các đơn vị trường học đã được củng cố và từng bước hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện bước vào năm học mới 2013-2014 thắng lợi./.