Sau khi Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo các các đơn vị của Bộ nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu tầng hai của cầu trước khi bàn giao cho thành phố quản lý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có đề xuất hướng nghiên cứu xử lý mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng khá nặng.

tl4_uplj.jpg
Từ trên cao cũng có thể dễ dành nhìn thấy vệt hăng lún, hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long.

Ba phương án chữa cầu Thăng Long

Theo đó, phương án 1 sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng); khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.

“Giải pháp này có thể sẽ khắc phục được hết các hư hỏng trên nhưng có nhược điểm là tốn kém kinh phí; kéo dài thời gian; đảm bảo giao thông khó khăn; thi công lớp bản thép trực hướng khó khăn do kết cấu dàn thép đã có chuyển vị và đường sắt không thể dừng khai thác; thủ tục liên quan đến đánh giá tác động lên kết cấu dàn thép phức tạp,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay.

Phương án 2 chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.

Cầu Thăng Long được thiết kế 2 tầng, đi chung đường sắt và đường bộ khá phức tạp.

Phương án 3 cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa). Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trong quá trình hàn phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép và trong quá trình khai thác, do biến dạng và dao động của bản thép làm bong bật các mối hàn.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đã liên hệ với Công ty và chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế. Hiện nay, Tổng cục đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) nghiên cứu trước đây cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ.

Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ 1 tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Rất khó chữa lành!

Theo PGS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải), việc sửa chữa sẽ rất khó khăn do đặc thù mặt đường bê tông nhựa được trải trên giàn thép.

"Cầu này được xây dựng toàn bộ bằng kết cầu thép như trụ thép, dầm thép giống cầu Long Biên", ông Cậy nói.

Theo ông Cậy, trước đây, mặt cầu được phủ bê tông nhựa kết dính trên bản mặt thép bằng một lớp keo rất tốt. Qua hàng chục năm, độ dính bám của lớp bê tông nhựa với bản mặt thép đã giảm, gây tình trạng hư hỏng mặt đường.

Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỉ của tình hữu nghị Việt-Xô.

Hơn nữa, nhiều xe vượt tải trọng đi trên cầu, gây ảnh hưởng kết cấu thép, làm cho các bản mặt thép biến dạng cũng như ảnh hưởng độ dính bám của bê tông.

"Cơ quan chức năng cần kiểm định lại kết cấu thép để đánh giá toàn diện. Sau khi đánh giá, có thể kết hợp với các đơn vị tư vấn nước ngoài thử nghiệm một số phương án sửa chữa trên diện tích nhỏ trong vài tháng. Khi đánh giá được phương án khả thi mới tiến hành sửa chữa tổng thể", ông Cậy nói.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo, việc sửa chữa cầu Thăng Long sẽ có chi phí lớn nên phải cẩn trọng. "Trước mắt nên sửa chữa nhỏ để đảm bảo phương tiện lưu thông, khi có phương án tối ưu mới triển khai tổng thể".

Còn theo PGS. TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng quản lý nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đánh giá việc sửa chữa cầu Thăng Long khá phức tạp và khó khăn. Cơ quan chức năng phải kiểm tra toàn diện kết cấu thép xem có bị cong vênh không, vì đây có thể là nguyên nhân khiến lớp bê tông nhựa không ổn định; nếu hư hỏng kết cấu thép thì phải bóc dỡ để sửa toàn diện./.

Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m.

Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng măt 16,5m (diện tích 23.562m2).

Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỉ của tình hữu nghị Việt-Xô.

Trước đó, năm 2009, mặt cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lóp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê tông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là dính bám giữa lớp bê tông nhựa SMA và lớp chống thấm trên bản thép không đạt yêu cầu đồng thời hiện tượng nứt tạo thành khe cho nước thấm xuống cũng gây hư hỏng mặt cầu. Ngoài ra, giữa lớp chống thấm và mặt thép cũng bong tróc, không đảm bảo kết dính.