racnhat13_vov_mmll.jpg
Một khu xưởng rộng hàng trăm mét vuông, kéo dài từ trụ B7-B9 gầm cầu Thăng Long (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) được quay tôn kín xuất hiện nhiều năm nay, bày bán các loại máy móc cũ.
Tại khu xưởng, có cả trăm tấn máy móc cũ bày ngổn ngang được người chủ cơ sở giới thiệu là hàng Nhật Bản từ máy khoan, máy cắt, máy bơm nước, máy giặt đến các thiết bị gia dụng như ấm đun nước, phích điện, nồi cơm điện, bàn là... xen kẽ với đó là các kệ hàng lớn dựng lên song song để tiện cho khách lựa chọn.
Người mua vào đây được thoải mái tìm kiếm, lựa chọn đồ. Anh T. (Hà Nội) đã nhiều lần đến mua đồ tại đây cho biết, anh thường đến vào thời điểm khu xưởng mới nhập hàng về, tìm ra được món đồ ưng ý dùng cũng được lâu.
Mặc dù là hàng cũ nhưng giá thành những máy móc thiết bị ở đây không hề rẻ. Tủ lạnh, máy giặt cũ cũng có giá từ 3 đến 6 triệu đồng. Chiếc khoan mở ốc tay nhỏ cũng có giá hơn 1 triệu.
Một chiếc chân máy ảnh cũ được giới thiệu là hàng Nhật "xịn" có giá khoảng 200.000 đồng, tương đương với giá của những cửa hàng xách tay đồ Nhật cũ.
Chiếc đồng hồ có hình dáng cổ được lau dọn, bày sẵn lên kệ.

Tại xưởng có đến hàng chục công nhân làm việc, phụ trách công việc khuân vác, lau dọn và sửa chữa các loại máy móc. Người đàn ông đang phân loại, sửa những chiếc đầu DVD, CD.
Nhiều hàng cũ về nhưng chỉ cần qua công đoạn lau rửa, tân trang lại đã trở nên bắt mắt.
Là một thợ cơ khí, anh Sơn (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã một vài lần đến mua hàng tại khu xưởng này. "Hàng ở đây nhiều, đa dạng, đã có lần tôi đến mua một số chi tiết máy móc nhưng không dùng được lâu. Tuy nhiên, máy móc Nhật Bản chính gốc sử dụng nguồn điện 110V trong khi nước ta dùng nguồn điện 220V nên khi mua hàng về sử dụng tôi lại phải "nuôi" thêm cục biến áp", anh Sơn cho biết.
Người chủ cửa hàng cho biết hàng hóa ở đây là hàng Nhật "chuẩn" nên cứ yên tâm về chất lượng. 
Không chỉ máy móc, tại khu xưởng cũng bán kèm theo nhiều đồ được cho là hàng Nhật như băng dính, xe kéo, xe đẩy...
Khu xưởng "đồ Nhật" này nằm ngay dưới chân đường sắt khu vực cầu Thăng Long, thuộc sự quản lý của công ty Cổ phần đường sắt Hà Thái.

Theo Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23-9-2015 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định rõ: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông...
Hơn nữa, trong cuộc họp báo của Tổng cục Hải quan ngày 30/7 cho biết nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại chủ yếu là nhựa, giấy và sắt thép. Nguồn nhập khẩu nhiều nhất 3 loại phế liệu này của Việt Nam là Nhật Bản với  tỷ lệ 29,7% sắt, 39,6% giấy, 24,8% nhựa. Trong tháng 8 tới, bộ Tài nguyên Môi trường cũng tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu ...