Cuộc họp lần thứ 8 của Uỷ ban Tư vấn hỗn hợp Việt Nam – Mỹ (JAC), diễn ra trong hai ngày 4 và 5/12 tại Đà Nẵng, đã thống nhất hợp tác sâu rộng hơn trong việc giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có vấn đề chất da cam/dioxin.

khu-xu-ly-e8315.jpg
Khu xử lý chất độc tại Sân bay Đà Nẵng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công (Ảnh: Giadinh.net.vn)

Đây là cuộc họp hàng năm của JAC kể từ năm 2006, nhằm cung cấp tư vấn khoa học cho Chính phủ Việt Nam và Mỹ về xử lý ô nhiễm dioxin và nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe có liên quan đến dioxin.

Tại cuộc họp với sự tham gia của nhiều chuyên gia về lĩnh vực môi trường và sức khỏe của Việt Nam và Mỹ, hai bên đã trao đổi quan điểm và mở rộng nội dung đối thoại về các vấn đề liên quan tới chất độc da cam/dioxin.  

Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ  (USAID) đã trình bày tiến độ Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, vốn là một “điểm nóng” về dioxin do mức độ ô nhiễm dioxin cao trong đất và phù sa. Đồng thời, các đại biểu đánh giá lại kết quả của cuộc hội thảo mới đây về những bài học kinh nghiệm trong việc đánh giá và xử lý ô nhiễm dioxin ở Việt Nam, do Bộ tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Kể từ khi dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng được khởi động vào tháng 8/2012, các đối tác của Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã chất được 45.000m3 đất bị nhiễm dioxin vào khu vực chứa mới được xây dựng.

Lượng đất này sẽ được nung nóng lên tới 335oC trong những tháng tới, nhằm phá huỷ các hợp chất của dioxin. Dự án đang được triển khai đúng tiến độ nhằm xử lý hoàn toàn nhiễm dioxin trong khu vực vào cuối năm 2016 và nhờ đó giảm rủi ro tiếp xúc với dioxin cho người dân sống xung quanh./.