Hơn 50 năm sau ngày Đế quốc Mỹ rải chất độc hủy diệt hàng loạt, 4,8 triệu người Việt Nam vẫn đang chìm trong nỗi đau bởi thứ hóa chất ác độc đang mang trong mình. Để chung tay xoa dịu nỗi đau đó, có rất nhiều tổ chức và cá nhân đã có những đóng góp vật chất, tinh thần.

Là một quân nhân nên ông Phạm Mạnh Chiến – Chủ tịch Hội Tấm lòng Việt rất thấu hiểu nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu. Do đó, từ khi nghỉ hưu năm 1992, ông đã tham gia tổ chức nhiều chương trình nhằm giúp đỡ thương bệnh binh cũng như những nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Hơn 10 năm làm từ thiện, ông cùng bạn bè và gia đình đã thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ được hơn 400 nạn nhân của dioxin, hỗ trợ nuôi nấng 120 cháu là con em thương bệnh binh nhiễm chất độc da cam tại làng Hữu Nghị (Hà Nội). Cá nhân ông, với số lương hưu không nhiều nhưng mỗi tháng đều dành tiết kiệm ủng hộ 500.000 đồng và tạo điều kiện cho người nhiễm chất độc da cam vay không lấy lãi làm kinh tế. Chia sẻ về động lực để ông giúp đỡ những người kém may mắn, ông Chiến cho biết : "Cho đến giờ các con đã trưởng thành, gia đình tôi cũng đã đầy đủ. Gia đình tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ cống hiến của đồng đội, chúng tôi muốn bù đắp một phần cho gia đình họ".Cũng từng bước qua chiến tranh, ông Nguyễn Thành Mậu – Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Hà Nội không khỏi ngăn nổi xúc động khi nhắc về những người đồng đội đã nằm xuống và những người may mắn sống sót nhưng lại mang thương tật. Đó chính là lý do gần 10 năm qua khiến ông gắn bó với Hội, ngày đêm trăn trở nghĩ cách giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam. Chia sẻ về điều khiến ông gắn bó với Hội, dốc lòng vì người nhiễm chất độc da cam, ông Mậu nghẹn ngào: "Chúng tôi cũng là con người tham gia cuộc chiến tranh…Tôi muốn làm việc gì giúp đồng đội. Chúng tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội, người bị thương, người bị nhiễm chất độc da cam". 

Ông Nguyễn Doãn Tuyến-Giám đốc công ty Hồng Phúc cũng là một trong những nhà hảo tâm luôn dốc lòng vì người nghèo. Bắt đầu làm từ thiện từ những năm 2002, công ty Hồng Phúc đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khám chữa bệnh cấp thuốc cho hàng vạn lượt người nghèo khó.  Ngoài ra, hiện ông cũng đang nhận bảo trợ cho 2 cháu bị nhiễm chất độc da cam tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. 

Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nỗi đau chung của mỗi chúng ta. Hãy thông cảm, sẻ chia và cùng dang rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, dù chỉ bằng những hành động nhỏ nhất./.