Sáng nay (13/11), Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh - Bộ Y Tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12-18/11/2018” với chủ đề Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm.

thu_truong_nguyen_viet_tien_pqxp.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Hiện nay, kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Việt Nam đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh khá cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam là 1 trong những nước đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh khá cao. Theo Thứ trưởng, hiện nay việc lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Người dân cứ đau ốm là ra hiệu thuốc để mua kháng sinh, vô cùng nguy hiểm.

“Nếu người dân không quan tâm, coi trọng việc sử dụng kháng sinh thì sẽ chịu hậu quả khôn lường và rơi vào tình trạng bệnh nặng, hiểm nguy. Nếu dùng không đúng, không cẩn thận cũng là cơ hội để vi khuẩn kháng thuốc”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, hiện nay lực lượng thanh tra, kiểm tra của các cơ sở y tế còn quá mỏng dẫn đến việc kiểm soát, quản lý sử dụng kháng sinh chưa chặt chẽ, hiệu quả. Theo Thứ trưởng, cần phải có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, cộng đồng ý thức được việc sử dụng kháng sinh hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng một số trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm labo đánh giá được các loại vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh để tư vấn cho các nhà lâm sàng sử dụng thuốc hợp lý nhất.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, có nhiều lý do dẫn đến kháng kháng sinh nhưng lý do quan trọng là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và không đúng cách xảy ra ở tất cả các nơi như bệnh viện. “Vẫn có hiện tượng các bác sĩ tùy tiện kê kháng sinh, cộng đồng mua kháng sinh không cần kê đơn dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực”- TS Park cho biết.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc thông qua Kế hoạch hành động Quốc gia về Kháng Thuốc (AMR). TS Park cho rằng, để duy trì kháng kháng sinh trong tương lai, cần phải sử dụng kháng sinh thận trọng.

Các đại biểu bấm nút thắp sáng, chung tay hành động phòng, chống kháng thuốc.
Chính phủ Việt Nam nên tập trung thực hiện một số ưu tiên như: đối với cộng đồng, người dân đảm bảo không ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh nếu không có đơn của bác sĩ; Các dược sĩ, những nhà thuốc bán lẻ phải bán thuốc kháng sinh khi có đơn của bác sĩ; Các bác sĩ khi kê đơn thuốc phải đảm bảo cần thiết mới kê đơn và kê đơn một cách hợp lý. “Năm 2020, Việt Nam kết thúc Kế hoạch Hành động quốc gia về kháng thuốc. Tôi mong rằng, khi kế hoạch kết thúc, Chính phủ Việt Nam phải hoàn thành thiết lập hệ thống quốc gia đồng nhất để tăng cường quản lý, giám sát kháng sinh; Đồng thời giám sát các biện pháp phòng chống kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, môi trường”- TS Kidong Park cho biết./.