Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
Thứ Bảy, 19:00, 15/09/2018
VOV.VN - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Đây là tình trạng đáng báo động bởi điều này đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân sẽ không được cứu sống khi vi khuẩn đã kháng tất cả các loại kháng sinh hiện nay.
(Ảnh minh họa: Dân Trí)
Nhiều người cho rằng căn nguyên của thực trạng này là do thói quen tự ý mua thuốc về điều trị của người dân. Tuy nhiên thực tế cho thấy, bên cạnh việc kê đơn thuốc của bác sĩ hiện nay thì sự quá tải của bệnh viện tuyến trên, yếu kém chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới và bất cập trong quản lý hệ thống cung ứng thuốc cũng là những nguyên nhân quan trọng.
Đến bất cứ hiệu thuốc nào, người dân chỉ cần kể sơ qua về triệu chứng của bệnh là sẽ được dược sĩ bán ngay cho bất kỳ loại kháng sinh nào.
Trao đổi giữa người mua và người bán tại hiệu thuốc:
“-Con nhà anh bị sốt, ho, đã uống kháng sinh dòng Amoxilin 3 ngày nhưng không khỏi
-Cháu mấy tuổi rồi anh? Còn sốt không ạ?
-Cháu 5 tuổi, vẫn đang sốt, ho
-Anh cho cháu uống thuốc này nhé. Thuốc này là kháng sinh nặng hơn dòng Amoxilin”.
Việc mua bán thuốc không cần đơn bác sĩ kê phổ biến hiện nay đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam cao nhất thế giới.
Tại các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương…đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh và đã có những bệnh nhân tử vong vì không còn thuốc chữa. Tuy nhiên, việc người dân tự mua thuốc điều trị cũng bắt nguồn từ những bất cập của hệ thống y tế.
“- Tôi cũng hay bị ốm nhưng đến bệnh viện phải chờ đợi rất lâu nên tôi ra hiệu thuốc mua về uống cho nhanh
-Vào trạm y tế không yên tâm, còn vào bệnh viện mất thời gian vì đông lắm. Chỉ khi bệnh nặng mới đến bệnh viện còn bệnh nhẹ tôi ra hiệu thuốc mua cho tiện, vì không có thời gian để chờ đợi”.
Bệnh viện tuyến trên quá tải bệnh nhân, bệnh viện tuyến dưới năng lực hạn chế còn dẫn đến việc bác sĩ không đủ thời gian hoặc không đủ năng lực kiểm chứng hiệu quả của thuốc kháng sinh thông qua việc làm kháng sinh đồ (một phương pháp để xác định loại kháng sinh nào đó có diệt được vi khuẩn gây bệnh ở mức tối đa hay không).
Bác sĩ Bùi Đình Hướng, Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường, Nam Định nói: “Ở đây chỉ sử dụng kháng sinh thông thường thôi. Vì không làm được kháng sinh đồ nên khi điều trị kháng sinh được 3 đến 5 ngày thì phải hội chẩn. Nếu thấy không khỏi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.
Theo nghiên cứu tại nhiều bệnh viện cho thấy, có tới 90% đơn thuốc hiện nay có sai sót, trong đó những đơn được bác sĩ kê với nhiều loại thuốc cùng một công dụng, cùng một biệt dược, chỉ khác tên gọi. Điều này khiến vi khuẩn càng thêm nhờn thuốc, nhất là khi không tiến hành làm kháng sinh đồ…
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: “Phải có một chiến lược lâu dài, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhưng quan trọng nhất là đào tạo đào tạo nhân lực, phải đào tạo kỹ thuật viên vi sinh và đào tạo cho bác sĩ nếu không, không thể thực hiện kháng sinh đồ”.
Một nguyên nhân nữa ít được đề cập và cũng chưa có một nghiên cứu nào, đó là việc tồn dư thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và trong thực phẩm hiện nay cũng đang làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.
Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Chúng tôi đã gặp một tỷ lệ 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc trong phân của những em bé này khi đến nhập viện. Đây cũng là tình trạng cảnh báo cần phải nghiên cứu, trong đó có việc môi trường, thức ăn hiện nay có dư lượng kháng sinh”.
Như vậy, việc chống kháng thuốc không chỉ từ phía người dân, tức là không chỉ giải quyết tình trạng 91% thuốc kháng sinh ở nông thôn và 88% thuốc kháng sinh ở thành thị được bán ra không cần đơn; mà cần có giải pháp căn cơ, tổng thể.
Người dân sẽ không tự ý mua thuốc về điều trị nếu họ được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tốt một cách dễ dàng, thuận lợi. Bệnh viện không còn quá tải, bác sĩ sẽ làm được kháng sinh đồ trước khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân...
Chống kháng thuốc, “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” vì vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, ảnh hưởng tới sức khỏe con người./.
Cách đây ít ngày, các nhà khoa học Australia đã phát hiện 3 biến thể của một siêu vi khuẩn kháng đa kháng sinh trong các mẫu bệnh phẩm được lấy từ 10 quốc gia, trong đó có những mẫu chứa siêu vi khuẩn chống lại bất cứ loại kháng sinh nào đang bán trên thị trường hiện nay. Điều đó cho thấy việc chống kháng thuốc đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu. Vậy, Việt Nam đang triển khai những biện pháp gì để chống kháng thuốc?
VOV.VN -“Tôi đã từng thử làm người đi mua thuốc, vào hiệu thuốc hỏi mua kháng sinh Amox thì chủ quầy bán ngay, hỏi mua cả nghìn viên sẽ có người mang đến".
VOV.VN - Khi dùng thuốc kháng sinh, hệ vi sinh trong đường ruột sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, nên có một chế độ dinh dưỡng phù hợp trong thời gian dùng kháng sinh.
VOV.VN - Nhiều loại thảo mộc tự nhiên và gia vị có đặc tính kháng sinh mạnh hơn thuốc. Sử dụng kháng sinh tự nhiên sẽ giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
VOV.VN - Nhiều loại thảo mộc tự nhiên và gia vị có đặc tính kháng sinh mạnh hơn thuốc. Sử dụng kháng sinh tự nhiên sẽ giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
VOV.VN - Nhiều loại thảo mộc tự nhiên và gia vị có đặc tính kháng sinh mạnh hơn thuốc. Sử dụng kháng sinh tự nhiên sẽ giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
VOV.VN - Khi dùng thuốc kháng sinh, hệ vi sinh trong đường ruột sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, nên có một chế độ dinh dưỡng phù hợp trong thời gian dùng kháng sinh.
VOV.VN - Nhiều loại thảo mộc tự nhiên và gia vị có đặc tính kháng sinh mạnh hơn thuốc. Sử dụng kháng sinh tự nhiên sẽ giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
VOV.VN -“Tôi đã từng thử làm người đi mua thuốc, vào hiệu thuốc hỏi mua kháng sinh Amox thì chủ quầy bán ngay, hỏi mua cả nghìn viên sẽ có người mang đến".