Toàn TP Hà Nội hiện có tới 29 điểm khai thác cát, trong đó có 4 điểm cố định, song 2 điểm giấy phép đã hết hạn. Những điểm còn lại chủ yếu là khai thác cát lưu động không có giấy phép khai thác, tập trung trên dọc hai tuyến sông Hồng và sông Đuống tại địa bàn các quận, huyện Từ Liêm, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Phú Xuyên.

Theo Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường thủy số 1, các đối tượng khai thác cát trái phép lén lút hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi. Chúng thường chọn những địa bàn giáp danh như Sơn Tây-Ba Vì, Phúc Thọ-Đan Phượng, Đan Phượng-Mê Linh, rồi neo đậu tàu ở nơi vắng, thả “vòi rồng” xuống đáy sông hút cát.

Phó Phòng cảnh sát giao thông đường thủy thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Cương cho biết, hiện tổng số chiều dài của cả hệ thống sông Hồng, sông Đuống và sông Đà, đoạn chảy qua Hà Nội, lên tới hơn 280km khiến công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai là chi phí cho 1 m3 cát khi khai thác lén lút chỉ dao động từ 70.000-80.000 đồng nhưng khi cập bến, bán ra có thể kiếm lời gấp 3-5 lần. Lợi nhuận cao nên những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Khi bắt được, chúng sẵn sàng giằng co, chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho vào, để phương tiện trôi tự do… gây khó khăn cho việc xử lý. Khó hơn nữa là việc thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Bởi mỗi chiếc tàu dài gần 20m, rộng 3m; cả dàn thuyền, tàu vi phạm bị tạm giữ thì không biết sẽ cần đến bao nhiêu diện tích mới đáp ứng đủ. Thực tế này khiến nhiều địa bàn rất “ngại” xử lý tàu, thuyền hút trộm cát, ngay cả khi chế tài áp dụng phạt là tương đối nghiêm khắc./.