Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5) có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những bất cập của Luật Bảo hiểm Y tế hiện hành theo hướng có lợi hơn cho người bệnh, xác định gói quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm Y tế một cách minh bạch, công bằng hơn và tiến tới thực hiện lộ trình Bảo hiểm Y tế toàn dân. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những thay đổi này.

PV: Xin ông cho biết Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi lần này có những thay đổi nào cần lưu ý liên quan trực tiếp đến người bệnh?

Ông Phạm Lương Sơn:Dự thảo mới của Luật lần này có mấy điểm cần lưu ý. Thứ nhất, khẳng định tính bắt buộc trong tham gia Bảo hiểm Y tế. Luật Bảo hiểm Y tế hiện hành chỉ quy định trách nhiệm tham gia thì tính tuân thủ Pháp luật không cao và hậu quả của nó là trên 40% số người lao động trong doanh nghiệp chưa tham gia Bảo hiểm Y tế mà chưa có bất kỳ chế tài nào xử phạt được. Thứ hai, phân lại các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, dễ quản lý và đảm bảo tính tham gia tốt hơn. Việc nữa là làm sao để xác định được gói quyền lợi Y tế minh bạch, công bằng hơn.

ong-pham-luong-son.jpg
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Xác định quyền lợi của Bảo hiểm Y tế không những phụ thuộc vào mức độ bệnh tật mà còn phụ thuộc vào thời gian người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế để đảm bảo công bằng. Đối với các trường hợp vượt tuyến, trái tuyến, Dự thảo quy định làm sao để nhằm giảm bớt việc các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên nhận quá nhiều trường hợp mà các cơ sở tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị được để tránh tình trạng quá tải hoặc việc lạm dụng từ cả phía cơ sở và phía người bệnh.

PV: Một trong những bất cập hiện nay trong việc thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế là tình trạng cấp trùng thẻ Bảo hiểm Y tế. Vậy những quy định mới trong Dự thảo Luật có khắc phục được tình trạng này?

Ông Phạm Lương Sơn: Để khắc phục tình trạng một người có nhiều thẻ phải phụ thuộc vào nhiều giải pháp, việc xây dựng quy chế chính sách là một trong những giải pháp đó. Dự thảo Luật sẽ quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quá trình lập danh sách để khắc phục việc trùng thẻ ngay từ đầu. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ thông tin, để trên cơ sở dữ liệu có thể phân tích và loại trừ danh sách. Cần những giải pháp cả về tổ chức thực hiện lẫn cơ chế chính sách thì mới giải quyết được tình trạng trùng thẻ. Vì hiện nay, việc trùng thẻ vẫn do yếu tố khách quan là chủ yếu.

Chúng ta chưa có cơ chế một đơn vị được lập danh sách cho các đối tượng trên địa bàn hành chính cấp xã, phường và chưa có cơ chế đầy đủ để rà soát kiểm tra lại dữ liệu để không bị trùng thẻ.

Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất với một số cơ quan khác để có nguyên tắc thống nhất lập danh sách thế nào cho không trùng với các đối tượng khác.

PV:Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện những giải pháp nào để kịp thời hướng tới Bảo hiểm Y tế toàn dân cũng như đảm bảo quyền lợi người bệnh và phát triển ổn định, cân đối quỹ Bảo hiểm Y tế?

Ông Phạm Lương Sơn: Mục tiêu đến năm 2015 sẽ có tối thiểu 75% người dân có Bảo hiểm Y tế. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xây dựng kế hoạch chương trình thực hiện, đảm bảo được diện bao phủ theo mục tiêu đã được định sẵn.

Theo đó, những chương trình, giải pháp cụ thể đã được đặt ra mà việc tập trung vào là duy trì và phát triển ổn định nhóm đối tượng tiềm năng có tỷ lệ tham gia cao là khối hành chính sự nghiệp, hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và tỷ lệ người lao động… Ngoài ra còn có chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương với nhóm đối tượng mà hiện nay độ bao phủ còn thấp. Quan trọng nhất, đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm Y tế của từng địa phương được đưa vào một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Đây là cơ sở mà chúng tôi tin rằng mục tiêu của chúng ta có tính khả thi rất cao./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.