Sáng 4/3, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm y tế toàn dân.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe ông Keizo Takemi - Nghị sỹ Nhật bản - Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ châu Á về dân số và phát triển, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách liên quan đến phát triển hệ thống y tế toàn dân tại Nhật Bản. 

Ông Keizo Takemi cho biết, Nhật Bản đã xây dựng được khung pháp lý đầy đủ toàn diện, trong đó là sự ưu tiên ngân sách Nhà nước trong vấn đề y tế và an sinh xã hội.

baohiem.jpg
Chen chúc đăng ký khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung Bướu tại TP HCM (Ảnh: Tuổi trẻ))

Đặc biệt, việc thực hiện các luật liên quan đến bảo hiểm y tế của Quốc hội đều được tiếp cận từ việc thực hiện luật bảo hiểm y tế riêng tại từng chính quyền địa phương.

Ông Keizo Takemi chia sẻ: “Chúng tôi không có chương trình bảo hiểm y tế toàn dân dựa trên cộng đồng mà thực hiện chương trình bảo hiểm y tế riêng cho các từng đối tượng. Từ mỗi chương trình bảo hiểm y tế riêng đó, mỗi chính quyền địa phương xây dựng chương trình của riêng mình dựa trên sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng người dân. Như vậy Chính phủ luật hóa bằng cách tiếp cận từ dưới lên. Việc thực thi luật vào cuộc sống sẽ có hiệu quả”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, bảo hiểm y tế toàn dân là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội và là một cơ chế tài chính, góp phần xây dựng nền y tế công bằng và hiệu quả theo đúng tinh thần của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Đồng thời việc triển khai bảo hiểm y tế thời gian qua là một bước tiến để hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân khi đến cuối năm 2013 đã có 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên để tiến tới 75% người dân tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 thì Việt Nam cần liên tục bổ sung chính sách.

Bà Trương Thị Mai nói: “Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đã đi một bước đi khá dài trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Chúng ta chính thức có Luật Bảo hiểm y tế vào năm 2009. Và đến tháng 5/2014, Quốc hội mới xem xét và thông qua dự thảo sửa đổi của Luật Bảo hiểm y tế. Hiện nay chúng ta đã thiết kế xong toàn bộ lộ trình của bảo hiểm y tế toàn dân nhưng mức độ bao phủ còn là thách thức rất lớn. Thách thức lớn hơn là việc cung cấp dịch vụ như thế nào và mức đóng cũng như là quá trình tiếp cận thuận lợi của bảo hiểm y tế”./.