Theo thống kê của ngành bảo hiểm, hiện có khoảng 66% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tuy nhiên, mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề chất lượng dịch vụ y tế, quyền lợi của người dân khi tham gia loại hình dịch vụ này.Dân không mặn mà

Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT chiều 26/11, đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đặt vấn đề: Liệu việc bắt buộc toàn dân phải tham gia BHYT có khả thi không? ĐBQH và cử tri có thể đồng tình, nhưng phải có lộ trình như cần giảm thủ tục hành chính, nâng cao tuyên truyền... khi đó người dân sẽ tự giác tham gia.

benhvien14.jpg
Hình ảnh "Đông nhưng không vui" tại triển lãm "Ngủ gầm giường bệnh viện"

Còn theo ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Bình Định), do không ít hạn chế nên BHYT hiện nay không đủ sức hút. Tuy đạt tỷ lệ bao phủ 67% dân số, nhưng chủ yếu đó là những là đối tượng được NSNN và chủ sử dụng lao động hỗ trợ kinh phí.

Nhìn nhận vấn đề ở một góc đọ khác, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại cho rằng, tỷ lệ dân số tham gia BHYT khá khả quan. Tuy nhiên, nhóm đối tượng đóng chủ yếu như cán bộ công chức, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, người hưu trí, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… đều có kinh phí chủ yếu từ NSNN chi trả. Trong khi đó, một số đối tượng bắt buộc, nhóm tự nguyện tham gia BHYT còn thấp, mới đạt 28%. Hầu hết người mua BHYT là cá nhân không theo hộ gia đình và đa phần là người đã có tiền sử về bệnh tật, ốm đau, người mắc bệnh hiểm nghèo, muốn mua BHYT để có điều kiện đi khám, chữa bệnh. Đây là những hạn chế sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Cùng với đó, những hạn chế về chuyên môn, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công, đặc biệt những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong ngành y tế gần đây đã làm giảm lòng tin của người bệnh, tăng bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng vượt tuyến, trái tuyến vẫn diễn ra khá phổ biến một phần do người dân lo ngại, thiếu tin tưởng vào trình độ của cán bộ y tế tuyến huyện, muốn được khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên với đội ngũ cán bộ y tế giỏi, trang thiết bị y tế hiện đại, dịch vụ y tế chất lượng cao...

Làm sao "phủ sóng" toàn dân?

Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần sửa đổi Luật BHYT tế theo hướng quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ khi toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia. Quy định bắt buộc đối với những đối tượng có khả năng tài chính đủ điều kiện để mua BHYT. Luật cũng cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế, quyền lợi của người dân khi tham gia loại hình dịch vụ này. Đây là vấn đề then chốt trong thu hút người dân.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định, vẫn còn những bất hợp lý trong dịch vụ y tế hiện nay. Tính công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT còn hạn chế. Người tham gia chưa hiểu đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Việc người bệnh có BHYT phải đóng thêm một số khoản chi ngoài quyền lợi hưởng BHYT, hay phải làm lại các xét nghiệm chẩn đoán khi chuyển tuyến điều trị vừa gây tốn kém cho bệnh nhân, vừa lãng phí quỹ BHYT.

Từ thực tế này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó và nhiều ĐBQH trong phiên thảo luận lần này kiến nghị, tiếp tục phân bổ ngân sách theo hướng chuyển từ chi ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách hỗ trợ nhân dân tham gia BHYT cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhằm tăng tỷ lệ tham gia và quyền lợi BHYT cho người dân.

Ngoài ra, cần xem xét, sửa đổi một số điều của Luật BHYT như xây dựng cơ chế để khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình./.