Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/02/1979-17/02/2019), trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

vi_xuyen_0_txfu.jpg
Những người lính trên mặt trận Vị Xuyên (Ảnh tư liệu).

Trong những ngày này, những cựu chiến binh của các đơn vị từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên đã gặp lại nhau để ôn lại những năm tháng lịch sử của cuộc chiến đấu giữ vững biên giới Hà Giang. Hôm nay, người còn, người mất nhưng họ vẫn đau đáu về lời hẹn ước với đồng đội "khi nào chiến tranh kết thúc họ sẽ trở về thăm nhà của nhau". Hàng nghìn đồng đội đến hôm nay xương cốt vẫn chôn vùi dưới những vạt rừng xanh ngắt ở vùng biên cương, chưa được về với quê mẹ. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, trong số hơn 5.000 bộ đội Việt Nam hy sinh vẫn còn hơn 3.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Phó Chỉ huy Trưởng về Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên cũ nhớ lại, tháng 2/1979, ở hướng Hà Tuyên này, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở Hà Tuyên kéo dài 10 năm.

Giai đoạn đầu từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/1979, trong vòng một tháng, Trung Quốc sử dụng 11 sư đoàn với quân số trên 20.000 quân để phối hợp với lực lượng quân sự lớn trên toàn tuyến đánh vào hướng Hà Tuyên, trong đó địch đánh vào các đồn biên phòng, xã, huyện biên giới.

Trước đó, Hà Tuyên đã có sự chủ động bố trí các lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tổ chức phòng thủ bảo vệ biên giới. Do đó ngay từ ngày đầu đối phương đánh vào thì các đơn vị đã chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm mà tiêu biểu nhất là Đồn biên phòng Lũng Làn, với đồng chí Lộc Viễn Tài, đồn trưởng sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đại tá Nguyễn Kim Chung nhớ lại, trên các hướng khác, ở bất kỳ vị trí nào trên toàn tuyến hơn 270 km đường biên giới của Hà Tuyên, địch vào chỗ nào cũng bị các lực lượng tại chỗ đánh trả 61 trận, vô hiệu hóa hơn 2.400 quân số đối phương. Còn giai đoạn 2 từ sau tháng 3/1979 đến năm 1989, đối phương sử dụng 2 quân đoàn, 11 sư đoàn với quân số 17 vạn thay phiên nhau đánh vào hướng Hà Tuyên”. “Quân số của chúng tôi khi đó có 16 vạn, chiến đấu hy sinh anh dũng suốt 10 năm với bao nhiêu hy sinh tổn thất nhưng cuối cùng là hoàn thành mục tiêu bảo vệ được từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với mục tiêu chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chính sức mạnh đó cùng với hào khí của cả nước hướng về Hà Tuyên nên chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Kim Chung nói.      

“Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, 9 chữ khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh trở thành phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những ngày giữ đất biên cương phía Bắc.

Trong ký ức của cựu chiến binh năm xưa vẫn nguyên vẹn những hình ảnh về trận đánh giữ đất của bộ đội Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, 468, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm. Trong thời khắc chiến đấu ác liệt, họ chỉ nghĩ “nhiệm vụ của người lính khi cầm súng phải quyết tâm chiến đấu, giành giật từng tấc đất cha ông để lại”. Sau 40 năm quay lại, họ lên đây thắp hương cho đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hiện quy tập được gần 2.000 mộ liệt sĩ và một ngôi mộ tập thể của những người từng chiến đấu tại Hà Giang.

Một cựu binh thắp hương tưởng nhớ các đồng đội hy sinh đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. (Ảnh KT)

Tại đây vẫn còn nhiều liệt sĩ vô danh được khắc dòng chữ "CHƯA BIẾT TÊN" trên tấm bia mộ. Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn cựu chiến binh từ các tỉnh, thành phố về làm lễ dâng hương và tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. Ông Hoàng Văn Hoạt, cán bộ Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên  đã nhiều đoàn với hơn 500 lượt người đến viếng, tưởng niệm tri ân các bộ đội anh dũng hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc tại Hà Giang.Những đoàn công tác lên Hà Giang đều lên đây thăm viếng và chúng tôi hướng dẫn và đốt hương tưởng niệm. Công việc thường ngày của cán bộ là dọn dẹp vệ sinh gần 2000 phần mộ, trong đó có một phần mộ tập thể đã hy sinh trong hầm”.

Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới, Hà Giang là nơi đương đầu với cuộc chiến ngay từ đầu và là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất, chịu nhiều tổn thất. Hơn 5.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang bằng những hoạt động thiết thực “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn ”, giúp đỡ các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công.

Hôm nay, 15/2. (tức 11 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Giang sẽ diễn ra cuộc Tọa đàm Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2019). Đây là dịp tri ân những anh hùng, liệt sỹ và người dân đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…Đồng thời tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.