Anh đọc bài thơ trong buổi giao lưu giữa cựu cán bộ chiến sĩ trung đoàn 876 với bà con bản Tha xã Phương Độ thành phố Hà Giang, sáng ngày 11/7/2018. Vừa quay về phía bà con, chốc chốc anh lại hướng về phía điểm cao 1509, nơi hàng ngàn đồng đội của anh đã ngã xuống.

Bản Tha là hậu cứ của trung đoàn 876 sư 356, những năm tháng chiến đấu ác liệt với quân Trung Quốc xâm lược, trên khu vực từ ngã ba Thanh Thủy tới điểm cao 1509.

dsc09221_omfs.jpg
Cựu chiến binh trung đoàn 876 giương cao lá cờ truyền thống của trung đoàn.

Ngày 11/7/2016, tôi  đã cùng các cựu chiến binh trung đoàn 876 trở lại bản Tha. Một bản người Tày xinh xắn nằm trong một thung lũng với những nếp nhà sàn thoáng đãng. Con suối nhỏ chảy từ trên núi cao xuống, nước trong vắt. Đàn vịt bầu với chiếc cổ biếc xanh, tung tăng bơi lội. Hầu như nhà nào cũng có vườn rau ao cá.  

Bà Nguyễn Thị Đấy nắm tay trung sĩ Trần Côn Sơn, nguyên chiến sĩ thông tin, mừng rỡ trách yêu, đã tưởng các con quên dân bản rồi. Trần Côn Sơn rơm rớm nước mắt phân bua, chúng con cũng còn vất vả lắm nhưng không bao giờ quên bà con dân bản. 

Trần Côn Sơn dắt tôi tới chào từng mẹ chiến sĩ, đây là bà Nguyễn Thị Thích, bà Nguyễn Thị Hoẻn năm xưa đã từng vác đạn vác gạo cho bộ đội. Các bà cười móm mém, năm xưa các chú còn trẻ lắm…

Ông Nguyễn Văn Đủ địu trên lưng đứa cháu, hỏi Sơn, Định có lên không?  Sơn bùi ngùi, Định nó bị bệnh tim, mổ hai lần rồi, không lên được ạ…

Năm nay, cũng đúng ngày 11/7, trước “giỗ trận Vị Xuyên” một ngày, đông đảo cán bộ chiến sĩ trung đoàn 786 lại về bản Tha. Nhiều người mang theo cả gia đình gồm vợ - con - cháu. Nếu để đi chơi thì không ai lặn lội hơn 300 km đường nắng nóng lên tới bản này, họ đến thăm chiến trường cũ, chỉ cho bạn bè gia đình biết nơi ngày xưa biết bao chàng trai khôi ngô tuấn tú đã ngã xuống, tạo thành bức tường vô hình ngăn quân xâm lược, làm cho chúng khiếp sợ phải rút về bên kia biên giới…

Cựu chiến binh Trần Côn Sơn và mẹ chiến sĩ Nguyễn Thị Đấy (bản Tha).

Mới chớm đến Vị Xuyên, mọi người đã xôn xao chỉ cho người thân đâu là điểm đơn vị đóng quân, đâu là đường lên trận địa…Trời đất cũng linh thiêng, hầu như năm nào trước ngày giỗ trận Vị Xuyên đều mưa như trút. Năm nay 2018 cũng vậy, đường từ thành phố Hà Giang lên ngã ba Thanh Thủy sạch bong, đồng ruộng xanh tươi, những rặng núi xa núi gần đen thẫm, mây trắng quấn quýt nơi sườn núi. 

Thấy tôi giơ máy ảnh chụp qua cửa kính cảnh núi non, đồng ruộng, một người bạn nhắc, hạt mưa bám đầy mặt kính kìa… "Vâng, tôi muốn chụp những hạt mưa, như những giọt nước mắt khóc người ngã xuống” - Tôi trả lời.

Và sau cơn mưa trời lại sáng.

Trở lại chuyến thăm bản Tha ngày 11/7/2018. Bản Tha giờ là một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, cảnh đổi thay nhưng lòng người vẫn vậy. Chuẩn bị cho buổi liên hoan gặp mặt, đội văn nghệ bản Tha đã tập cả 10 ngày liền. Còn bản chuẩn bị trâu, dê…để quân dân ăn chung một bữa cơm thân mật.

Các mẹ chiến sĩ năm xưa vẫn còn khỏe mạnh, chống gậy ra nhà văn hóa của bản... Mẹ Đẩy hỏi Sơn: Đức đâu không thấy? Nước mắt lưng tròng, Sơn thưa: "Vết thương cũ tái phát, năm ngoái Đức mất rồi mẹ ơi". Cả nhà lặng đi. Các em gái trong gia đình cựu chiến binh Hà ở năm xưa, từ thành phố Hà Giang tìm gặp bằng được “anh Hà” mang theo rượu bản, cơm nếp bản, hương hoa cùng anh đi viếng mộ các liệt sĩ.

“Ngày xưa, năm xưa…” cũng chưa xa lắm đâu. Và nhiều cán bộ chiến sĩ Vị Xuyên còn nhớ từng ngày.

Đội văn nghệ bản Tha biểu diễn trong buổi giao lưu.

Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) bắt đầu từ tháng 4/1984. Phía Trung Quốc đưa nhiều sư đoàn chủ lực với hỏa lực pháo tập trung tấn công hòng đánh chiếm một khoảng đất rộng từ khu vực điểm cao 1509 (phía Trung Quốc gọi là “Lão Sơn”) tràn xuống sát bờ sông Lô, muốn “tạo sự đã rồi”, pháo nổ “ù ù như lửa đốt nương” suốt ngày đêm. Cuối tháng 5/1984, pháo tầm xa của Trung Quốc còn bắn vào khu vực nội ô thị xã Hà Giang, làm chết và bị thương nhiều người dân, trong đó có trẻ em.

Ngày 12/7/1984, bộ đội Việt Nam mở chiến dịch MB 84 phản công lấy lại một số điểm cao mà địch chiếm của ta, tiến tới đẩy lui quân địch trên toàn mặt trận. Trận chiến đẫm máu bắt đầu từ ngày ấy cho đến năm 1989 mới chấm dứt. Phía Trung Quốc huy động các sư đoàn chủ lực của hầu hết các đại quân khu, luân phiên vào trận.

Trận chiến Vị Xuyên thực sự là nơi bộ đội Việt Nam (với khoảng 9 sư đoàn tham chiến luân phiên) đọ sức với sức mạnh tổng hợp của quân đội Trung Quốc. Kết quả là âm mưu chiếm đóng khu vực điểm cao 1509 và ngã ba Thanh Thủy - Vị Xuyên của phía Trung Quốc thất bại.

Từ thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương bay ra, Đặng Ngọc Châu đã hát tặng đồng đội bài hát anh mới sáng tác.

"Biên giới giờ đây không còn chiến tranh. Rừng chiều Hà Giang xôn xao lá đỏ. Để lòng tôi gợi lên bao niềm nhớ. Đồng đội tôi hy sinh trên điểm tựa. Tay vẫn không rời vẫn bám đá giữ biên cương…”.

Trong giờ phút thiêng liêng nhất tưởng nhớ đồng đội tại đền thờ trên điểm cao 468 hay nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, các cựu chiến binh sư đoàn 356 nước mắt tuôn trào, nhắn vào thinh không “về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn…”. Những câu hát nói lên khát vọng hoà bình của người lính, cũng là lời báo với vong linh các liệt sĩ rằng “chúng ta đã chiến thắng, quân xâm lược đã phải rút chạy. Chiến trường xưa “lò vôi thế kỷ” “đồi thịt băm”…đã xanh lại. Cuộc sống bình yên đã trở về với bản làng”.

Cựu chiến binh đội tuyên văn sư đoàn 356 hát tặng đồng bào chiến sĩ.

Sáng 11/7/2018, trước khi về bản Tha, trên đường từ hang Làng Lò trở về điểm cao 468, tôi đã ghé thăm gia đình ông bà Nguyễn Văn Ơn – Mai Thị Hiền nằm ngay dưới chân hang Làng Lò ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy. Một nếp nhà sàn nho nhỏ trông ra phía suối Thanh Thủy, thoáng trong chuồng bò thấy cả đàn 5-6 con. Một khoảnh ao rộng cỡ nửa sào nước trong vắt và những khoảnh ruộng bậc thang bờ được be bằng vữa bê tông. Mảnh đất này ngày xưa là một cửa tử, quân Trung Quốc trút xuống đây không biết bao đạn pháo, nay bình yên đã trở lại rồi.

Hai ông bà trở lại định cư ở đây năm 1991, các con, người ở lại thành phố Hà Giang làm ăn, người sống ở Vị Xuyên. Còn gia đình cựu chiến sĩ đặc công Vàng Xuyên và bà Buồn Thị Hòa thì dựng một nếp nhà ngay sát đường lên điểm cao 468. 

Ông Vàng Xuyên tình nguyện nhận việc đèn nhang cho ngôi đền thờ các liệt sĩ. Bà Buồn Thị Hòa xăng xái đun nước mời các đồng đội của chồng, thấy ai đi qua cũng đon đả mời chào. Một cựu chiến binh biển hiệu đề Vũ Văn Thưởng đeo quân hàm trung úy, kéo cả tiểu đội vào uống nước. 

Tiếp chuyện tôi, anh vanh vách kể hành trình chiến đấu của đơn vị mình trong các ngày giữa tháng 7/1984: “Chúng tôi từ Lào Cai được bổ sung cho đại đội 15 trung đoàn 153 sư 356 quân khu II. Khoảng 10 giờ đêm 10/7 nhận lệnh đi chiến đấu, hội quân ở điểm cao 812 Cốc Nghè. Chiều 11/7, từ Cốc Nghè ra Cầu treo Thanh Thủy…11 giờ đêm, đến trận địa cối 82 cùng các đơn vị bạn đúng 1 giờ đêm 12/7/1984 nổ súng...”.

Năm 1985, từ chiến trường Vị Xuyên, Vũ Văn Thưởng được cử đi học trường sĩ quan. Trong chuyến đi hành hương về Vị Xuyên lần này, tôi hai lần gặp Nguyễn Công Dũng, hiện ở tại số 18 khu chợ Văn Điển - Thanh Trì - Hà Nội. Một lần ở khu vực  đài tưởng niệm liệt sĩ xã Thanh Thủy, một lần ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, anh chống nạng lần từng bước. 

Dũng kể, anh bị thương đúng năm 20 tuổi ở gần khu vực Cốc Nghè…

- Bây giờ anh làm gì? Tôi hỏi.

- Mình chạy xe ba bánh. Cũng vất vả lắm nhưng không còn cách nào khác.

Tôi đã gặp nhiều thương binh chạy xe ba bánh như Dũng. Trần Côn Sơn cũng có một chiếc như thế. Sơn đã có lần gặp một cặp vợ chồng trẻ thuê chuyển đồ về nhà mới. Sơn bảo, mình yếu, chỉ chở được không khuân vác được nhưng họ vẫn thuê. Xong việc, cô vợ rút trong ví ra một tờ 500.000 đồng – “cháu biếu chú” - “Tôi chỉ lấy 100.000 thôi” - Không, chúng cháu biếu chú mà".

Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh vất vả lắm nhưng họ vẫn lăn lộn kiên cường bám trụ lấy cuộc sống, không chịu khuất phục. Lần “giỗ trận Vị Xuyên” năm nay, tôi thấy nhiều người vui hơn, cái vui vì xã hội đã biết nhiều hơn về “trận chiến Vị Xuyên” và những người chết đã không bị quên lãng nữa nhưng vẫn có những phút đau lòng. 

Một đoạn tin nhắn trên tờ giấy khổ A4 được để ở nhiều nơi, “Gia đình chúng tôi cần tìm liệt sĩ Nguyễn Văn Huy - quê quán xã Trạch Mỹ Lộc - huyện Phúc Thọ - Hà Nội. Đơn vị: đại đội 11 tiểu đoàn 3 trung đoàn 876 sư đoàn 356. Nhập ngũ tháng 8/1983. Hy sinh ngày 12/7/1984 tại xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên  tỉnh Hà Giang. Ai biết phần mộ liệt sĩ ở đâu xin báo tin…”.

Chúng tôi cầu mong điều may mắn với gia đình liệt sĩ Đình Văn Chung ở Phú Diễn - Hà Nội lặp lại với gia đình liệt sĩ Huy. Giỗ trận Vị Xuyên 12/7/2016, cũng một tờ tin nhắn như vậy đặt trên các nẻo đường Vị Xuyên đã được một cựu chiến binh từ Yên Bái hồi âm. Cũng phải qua 6 lần tìm kiếm, ngày 14/12/2017, hài cốt liệt sĩ Đình Văn Chung mới được đồng đội đưa về yên nghỉ tại quê nhà.

“Giỗ trận Vị Xuyên” năm nay, ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Thanh Hóa mang ra dựng trên khu vực đền thờ ở điểm cao 468 một bức phù điêu bằng đá, mô tả lại trận chiến Vị Xuyên và hình ảnh chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ. Người chiến sĩ Vị Xuyên “sống bám đá - chết hóa đá - thành bất tử”. Ban liên lạc cựu chiến bình mặt trận Vị Xuyên quyết định từ nay, ngày 12/7 được gọi là “ngày kỷ niệm chiến dịch MB 84”.

Tên gọi thay đổi nhưng việc hài cốt hàng nghìn liệt sĩ vẫn chưa được được tìm thấy, vẫn nhức nhối trong lòng mỗi người cựu binh mặt trận Vị Xuyên và thân nhân các liệt sĩ.

“Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngừng chiến trận. Đài hương 468 ta hội quân…”. Câu hát ấy vẫn ngày ngày vang lên trong tâm tưởng những cựu binh Vị Xuyên nhưng không phải để họ buông xuôi mà giúp họ vươn lên trong cuộc bươn chải kiếm sống hôm nay, dành dụm từng đồng tiền để mỗi năm lại hội quân về Vị Xuyên điểm cao 1509, để cùng nhau tìm mọi cách đạp qua chông gai, mìn bẫy, đạn lép còn sót lại để đi tìm đồng đội.

Trên đoạn đường về Hà Nội theo quốc lộ 2 qua Đoan Hùng, nơi ngã ba sông Lô gặp sông Thao, đoàn xe của cựu binh 356 Hà Nội lướt qua đài kỷ niệm “Chiến thắng Sông Lô” trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947. Nhìn cụm tượng đài sừng sững nơi ngã ba sông được ánh nắng chiều thếp vàng, thợ hàn Nguyễn Văn Khôi, cựu binh trung đoàn 876 ao ước: Làm sao trận chiến Vị Xuyên có một tượng đài hùng tráng như vậy. Các anh hứa: lần sau, chúng ta sẽ ghé thăm…

Xuôi theo dòng sông Lô oai hùng từ Vị Xuyên về đây, trong tôi vang lên câu hát, "Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau…mùa xuân tới, nước băng qua ngàn nước in ven bờ xanh ươm bóng tre…”.

Tôi có một ước mong nho nhỏ: một ngày nào đó trên đài hương 468  Vị Xuyên vang lên lời bài hát mới, ca ngợi lớp con cháu chiến sĩ sông Lô năm xưa. 

“Vị Xuyên ơi, hôm nay ta về hát khúc tình ca’…/.