Một số công trình thủy điện phải ngừng phát điện để giữ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới.
Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xả cầm chừng để giữ nước cho mùa khô. |
Ông Trần Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm ngoái, lưu vực hồ thủy điện A Vương hầu như không mưa, lượng nước về hồ chỉ bằng 40% so với trung bình nhiều năm. Đến cuối năm ngoái, hồ chứa thủy điện A Vương mới tích được hơn một nửa dung tích hữu ích.
Vì vậy, sau cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với UBND tỉnh Quảng Nam và các chủ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị thủy điện A Vương dừng phát điện từ ngày 8/12 đến hết tháng 1 để tích nước. Hết tháng 1, mực nước về hồ vẫn thiếu đến 19 mét nước, tỉnh Quảng Nam lại tiếp tục đề nghị dừng các tổ máy đến hết tháng 2. Thế nhưng đến thời điểm này, hồ chứa A Vương cũng chỉ tích được 65% dung tích hồ.
Ông Trần Đình Bản cho biết, hiện hồ thủy điện A Vương không thể vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mà phải vận hành theo yêu cầu của địa phương để đảm bảo giữ nước cho mùa khô sắp tới.
Theo ông Trần Đình Bản, các hồ chứa vẫn có thể giữ đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nhưng với điều kiện là phải sử dụng tiết kiệm nước một cách hợp lý: “Chúng tôi nghĩ rằng, với lượng nước cho đến hiện nay ở trong hồ cùng với các hồ thủy điện khác như ĐăkMy 4, Sông Bung 4 thì việc điều tiết nước một cách hợp lý vẫn đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở hạ du. Trong thời gian đó, các ngành như nông nghiệp, cấp nước cũng như đồng bào ở hạ du cần phải sử dụng nước một cách tiết kiệm hợp lý”.
Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là một trong số ít hồ chứa tích đủ nước đến mực nước dâng bình thường. |
Hồ thủy điện Sông Tranh 2 là một trong số 2 hồ thủy điện trong toàn quốc tích đủ nước đến cao trình mực nước dâng bình thường từ 31/12. Thế nhưng, thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phải xả nước cầm chừng để giữ nước cho hạ du. Ông Phạm Văn Quế, Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần thủy điện Sông Tranh cho biết: “Cho đến bây giờ hồ vẫn giữ được mực nước từ 174m đến 175m theo yêu cầu của Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Nam để đảm bảo nước tưới tiêu cho hạ du vào mùa kiệt sắp tới. Việc vận hành nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 trước hết là đảm bảo theo yêu cầu của tỉnh Quảng Nam sau đó là phát điện. Chủ trương chủ yếu là giữ nước cho tưới tiêu”.
Theo ông Trương Xuân Tý, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh thiếu hụt nước nghiêm trọng, khó bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8 năm 2016. Các đơn vị địa phương chủ động tiết kiệm nước tưới. Thị xã Điện Bàn đã khẩn trương thi công, công trình đập bổi Vĩnh Điện và gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng, bảo đảm nước sinh hoạt và nước tưới cho khu vực phía đông thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã làm việc với các chủ hồ chứa thủy điện tạm dừng xả nước để giữ nước cho vụ hè thu: “Ngay từ trước Tết, tỉnh đã có làm việc với các hồ chứa thủy điện để chỉ đạo là hạn chế thoát nước để tích trữ nước lại. Các địa phương cũng đã được tỉnh chỉ đạo là tích cực khai thông các kênh mương rồi xử lý các trạm bơm, bố trí nước tưới để đảm bảo cho vụ hè thu. Thủy lợi hóa đất màu cũng là một trong những nội dung tích cực làm để chủ động nước tưới ở những vùng đất màu. Công tác mặn đã được các địa phương tiến hành từ rất sớm”.
Nhà máy thủy điện A vương tạm dừng phát điện gần 2 tháng nay để tích nước. |
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cục theo dõi sát sao lượng nước về hồ các thủy điện ở bậc thang Vu Gia - Thu Bồn nhằm có những điều chỉnh phủ hợp.
Theo ông Hoàng Văn Bảy, các địa phương căn cứ lượng nước về thực tế và mực nước đạt được so với quy trình để điều chỉnh thời gian và lưu lượng xả nhằm đạt mục đích cân đối nguồn nước cho cả mùa cạn chứ không được dùng hết ngay: “Đang xem xét lại lượng nước về hồ và mực nước hồ sau đó có những chỉ đạo tiếp để làm việc với các chủ hồ các các địa phương. Tức là căn cứ vào tình hình nước về. Ví dụ đối với Vu Gia - Thu Bồn thì Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ quyết định vận hành, điều chỉnh chế độ vận hành để đảm bảo, tức là có thể tiết giảm lưu lượng xả và thời gian xả cho nó phù hợp”.
Cao điểm nắng hạn ở các tỉnh miền Trung là vào tháng 7, tháng 8 hàng năm. Thế nhưng ngay từ thời gian này, chính quyền các địa phương, chủ các hồ chứa cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kịch bản đối phó với hạn nặng, tiết kiệm từng giọt nước ít ỏi từ các hồ chứa./.