Sáng nay (17/2) tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Hội nghị Phòng chống hạn mặn, xâm nhập các tỉnh ĐBSCL". 

Trước tính chất nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tham dự và chỉ đạo hội nghị.

nguyen_xuan_phuc_wsti.jpg

Vấn đề mà các đại biểu quan tâm tại hội nghị là tuy chưa phải là cao điểm của mùa khô năm 2016, nhưng đến thời điểm này, hạn hán và mặn xâm nhập đã làm thiệt hại hàng chục ngàn ha lúa tại khu vực Nam Bộ, nhiều nhất ở các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau… và gây thiếu nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hạn hán, thiếu nước đã diễn ra thậm chí ngay cả trong các tháng mùa lũ năm 2015. Lượng dòng chảy các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và đặc biệt là ĐBSCL.

Ông Hoàng Đức Cường cho biết: “El Nino sẽ còn tiếp tục đến hết giữa năm nay. Như vậy nếu tính về độ dài thì El Nino 2014/2016 kéo dài gần 20 tháng và trở thành El Nino dài nhất trong lịch sử. Mức độ và cường độ cũng bắt đầu vượt El Nino 1998. Hiện đã thấy những tác động của El Nino với khí hậu, thời tiết ở quy mô toàn cầu, nhất là ở Việt Nam.

Vấn đề mà các địa phương khu vực Nam Bộ quan tâm hiện nay là do tác động của các hồ chứa thượng lưu, dòng chảy sông Mê Công về ĐBSCL khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến phức tạp và để lại nhiều tác hại nghiêm trọng. Ở nhiều vùng ven biển, nước mặn xâm nhập sâu và sớm hơn mọi năm, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Nhiều khu vực nội đồng, đô thị… đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt”. 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tình hình mực nước thấp dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL 2015-2016 là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, 90 năm xảy ra một lần. Hậu quả của nó hiện rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, cung cấp nước sinh hoạt của vùng ĐBSCL. Chính vì thế, các bộ ngành Trung ương; các địa phương phải vào cuộc quyết liệt và đưa ra các giải pháp thích ứng nhanh để phòng chống kịp thời; giảm những tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực sản xuất trọng điểm này.

Trong chiều nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; các Bộ ngành Trung ương sẽ đi thực địa vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn tại tỉnh Hậu Giang./.